Thời điểm ấy là năm 1973, khi tôi vừa từ chiến trường Mỹ Tho về chiến khu Binh vận. Cơ quan đóng bên sông Vàm Cỏ Đông. Cuộc họp đêm ấy cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là sinh hoạt bình thường. Tự nhiên anh bạn xung phong lên hát. Anh tự giới thiệu sẽ hát một bài của Trịnh Công Sơn có tên là “Nối vòng tay lớn”. Cái tên Trịnh Công Sơn tôi đã nghe. Còn bài hát thì chưa được nghe. Không có đàn, anh hát vo, nhưng hát rất nhiệt tình. Bài hát rất hay, lại hợp cảnh hợp tình. Đó là thời điểm cuộc chiến chưa biết bao giờ kết thúc, và ai cũng mong có một ngày được “Nối vòng tay lớn”.
Hai năm cuối của cuộc chiến tranh là hai năm những người trong cuộc chịu đựng và khát khao nhiều nhất. Hầu hết chịu đựng được, nhưng cũng có người không chịu nổi và để đời mình rơi vào bi kịch. Cuộc chiến khốc liệt nhất ở chỗ nó thử thách con người, vượt qua hoặc không vượt qua, nối được vòng tay lớn hoặc tự buông tay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với bài hát “Nối vòng tay lớn” của mình đã giữ được niềm tin vào ngày hòa bình thống nhất, ngày cả dân tộc thực sự được “nối vòng tay lớn”.
Trưa 30-4-1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tới Đài Phát thanh Sài Gòn và hát “Nối vòng tay lớn”, vừa đàn guitar vừa hát mừng ngày hòa bình thống nhất: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam...”.
Tháng 5-1975, về Sài Gòn, tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh được anh bạn “cấp” cho chiếc cassette còn nghe tốt. Chúng tôi kiếm được một băng nhạc Trịnh có tên là “Da vàng ca khúc” và mở nghe suốt ngày. Đi đâu cũng kè kè chiếc cassette, và âm nhạc Trịnh Công Sơn thấm vào chúng tôi như một món ăn tinh thần tuyệt diệu. Và đương nhiên trong băng nhạc ấy không thiếu “Nối vòng tay lớn”.
Sau giải phóng vài năm, vào năm 1977, nhóm chúng tôi ở Trại sáng tác quân khu V khá thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bấy giờ anh Sơn đã về Huế nên thỉnh thoảng chúng tôi bắt xe đò ra thăm anh, thỉnh thoảng anh Sơn lại bắt taxi vào Đà Nẵng uống rượu với chúng tôi. Chúng tôi đã “nối vòng tay... nhỏ” với nhau, động viên nhau sống và sáng tác.
Những ca khúc của Trịnh Công Sơn sau hòa bình tuy không nhiều nhưng vẫn rất hay, “rất Trịnh Công Sơn”. Toàn bộ tác phẩm Trịnh Công Sơn để lại không dưới 600 ca khúc, trong đó số ca khúc được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc).
Đã 50 năm - nửa thế kỷ trôi qua, thơ và âm nhạc, cái gì hay, cái gì vào được lòng người, nằm thật sâu trong tầng vô thức, thì còn lại. “Nối vòng tay lớn” là một tác phẩm còn lại như vậy. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe ca khúc “Nối vòng tay lớn” qua YouTube, được trình diễn theo phong cách nhạc rock, nghe thật hào hùng mà thấm thía, cứ như bài hát càng mạnh mẽ lại càng thiết tha.
Thanh Thảo