Nghệ sĩ cần thận trọng khi nhận quảng cáo

Nghệ sĩ cần thận trọng khi nhận quảng cáo
8 giờ trướcBài gốc
Chiều 21.4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý I năm 2025. Chủ trì Họp báo có ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ; bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí.
Tham dự Họp báo có đại diện một số Cục, Vụ, đơn vị quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL.
Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý I năm 2025
Tại Họp báo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ đã giải đáp các câu hỏi của phóng viên liên quan các lĩnh vực quản lý trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó, đặc biệt là 4 nhóm vấn đề: việc quản lý tu bổ di tích ở các địa phương; công tác phòng chống cháy nổ ở các di tích; chế tài xử phạt đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật; nghệ sĩ bị xử phạt vì vi phạm Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trên không gian mạng.
Nhận thức về di sản văn hóa ngày càng cao
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Bộ VHTTDL nhận định, vẫn còn hiện tượng tu bổ di tích chưa đúng thẩm định của Bộ và cơ quan chuyên môn. Vậy với những trường hợp tu bổ sai thì Bộ VHTTDL có giải pháp nào?
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, ngày 25.3, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký ban hành Công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành trả lời câu hỏi của báo chí
Việc chấn chỉnh công tác tu bổ di tích, theo ông Trần Đình Thành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Trong đó, mục 5, hành vi vi phạm về di sản văn hóa quy định rất rõ mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm. Cụ thể, mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Quy định cũng nêu rõ Hình thức xử phạt bổ sung; Biện pháp khắc phục hậu quả có cả nội dung buộc tháo dỡ đối với công trình nếu không có văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt khi xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II.
Vì vậy, theo ông Thành, cần phải phải xem xét trong bối cảnh các vi phạm đến đâu, mức độ nào, có tác động đến yếu tố gốc cấu thành di tích không để có phương án xử lý phù hợp.
Cũng theo ông Trần Đình Thành, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã quy định về trách nhiệm về UBND cấp tỉnh, các cơ quan sở hữu, quản lý di tích rất rõ ràng.
Trong đó, Luật Di sản có 2 điều cốt lõi liên quan là UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm thành lập Ban quản lý di tích và chức năng nhiệm vụ của BQL di tích.
Ông Lê Quang Tự Do trả lời tại Họp báo
“Ngày 1.7.2025, Luật Di sản văn hóa sửa đổi sẽ có hiệu lực, phân cấp, phân quyền rõ hơn trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản… sẽ giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản”- ông Thành chia sẻ.
Về công tác phòng, chống cháy nổ trong di tích, theo ông Trần Đình Thành, thời gian vừa qua, có hai vụ cháy lớn tại di tích, đây là điều rất đáng tiếc và đau lòng đối với người làm công tác di sản.
Theo ông Thành, hệ thống pháp luật, không chỉ Luật Di sản văn hóa mà Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy... thì di tích đều nằm trong đối tượng chi phối. Hằng năm, vào dịp cuối năm, Cục Di sản văn hóa luôn có văn bản nhắc nhở các địa phương về công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Theo tổng hợp của Cục Di sản văn hóa, trong 5 năm trở lại đây, việc cháy nổ ở các di tích giảm nhiều so với thời gian trước đây.
Có được điều này là do nhận thức về di sản văn hóa ngày càng cao. Cộng đồng địa phương, tổ chức cá nhân, 90% nhân dân đều biết các quy định về di sản văn hóa, chính quyền các địa phương đều quan tâm việc phòng cháy chữa cháy ở di tích, điều này góp phần giảm các vụ cháy ở di tích.
“Tuy nhiên, một số vụ cháy gần đây xảy ra vẫn cho thấy cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý di sản văn hóa. Việc khai thác, sử dụng di tích, đèn điện trong di tích chưa có sự quan tâm thỏa đáng”, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhìn nhận.
Theo ông Thành, nhiều tỉnh, thành đã quan tâm đầu tư cho tu bổ di tích nhưng so với nhu cầu còn hạn chế nên nhiều di tích chưa được đầu tư và quan tâm về phòng cháy chữa cháy. Trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ, Chính phủ tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, phòng cháy chữa cháy tại di tích.
Toàn cảnh Họp báo
Người nổi tiếng phải thận trọng khi nhận quảng cáo
Một vấn đề “nóng” tại Họp báo là câu chuyện người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội.
Theo NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục NTBD, ai cũng phải sống và làm việc tuân thủ theo quy định của pháp luật. Các nghệ sĩ và người nổi tiếng cũng vậy, quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ai vi phạm ở đâu, mức độ nào thì xử theo mức độ đó. Nếu lừa đảo, làm hàng giả thì theo mức độ hình sự. Tôi nhấn mạnh dù là nghệ sĩ, kols, ai cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò là công dân”- NSND Xuân Bắc chia sẻ quan điểm.
Cũng theo NSND Xuân Bắc, năm 2024, Cục NTBD và Thanh tra Bộ đã phối hợp kiểm tra các hành vi vi phạm, đối với những trường hợp biểu hiện vi phạm về quy chế, và Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, ngày 17.6.2021, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 874/QĐ-BTTTT Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và khuyến khích các Bộ khác xây dựng quy tắc ứng xử trong phạm vi quản lý, hoạt động.
NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục NTBD trả lời tại Họp báo
Đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có chế tài xử phạt. Chúng tôi nhận thấy nó không có tính răn đe nên cần thể chế một số nội dung thành Nghị định để có chế tài xử phạt.
Theo ông Lê Quang Tự Do, kinh nghiệm từ các nước là vừa có quy định cứng là các chế tài xử phạt, vừa quy định mềm là các quy tắc ứng xử, để người của công chúng có cách ứng xử chuẩn mực, vi phạm thì sẽ vấp phải phản ứng từ xã hội, công chúng. Theo ông Lê Quang Tự Do, tới đây sẽ làm điểm một vài trường hợp trong đó có cả trường hợp vi phạm trong quảng cáo.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, khi xử lý vi phạm hành vi quảng cáo, trong quy định pháp luật không có hành vi riêng cho người nổi tiếng và nghệ sĩ. Nên xử lý trên cơ sở pháp luật hiện hành là áp dụng chung.
“Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đã và đang diễn ra tình trạng các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Chúng tôi kiến nghị Bộ quản lý chuyên ngành phải có trách nhiệm thẩm định các sản phẩm. Bộ Y tế, Bộ Công Thương, phải thẩm định sữa giả, hàng giả. Khi có thẩm định sản phẩm giả thì nghệ sĩ quảng cáo sai chúng tôi sẽ xử lý”- ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử trả lời tại Họp báo
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, trong quá trình xử lý, tồn tại một thực tế là các nghệ sĩ, kols nhận thức về quảng cáo rất yếu. “Đây là hồi chuông cảnh báo. Vì họ nhận quảng cáo vô tội vạ, không biết sản phẩm tốt không, thật không, nên vô tình vi phạm pháp luật. Chúng tôi rất đau lòng, như trường hợp Quang Linh Vlog, làm nhiều điều có ích cho cộng đồng, nhưng hiểu biết pháp luật không cao”- Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ.
Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm: “Các nghệ sĩ cũng cần lưu ý, khi quảng cáo, hợp tác với các công ty mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với vai trò là gương mặt đại diện, được trả cổ phần, như vậy là đồng sản xuất. Và khi bị cơ quan chức năng kết luận là hàng giả thì người nghệ sĩ sẽ vi phạm pháp luật với mức độ là đồng phạm sản xuất hàng giả. Đây là điều cần thận trọng”.
Tại Họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết thêm, sau buổi làm việc ngày 18.4, Cục đã lập biên bản làm việc cũng như biên bản xử lý hai trường hợp.
Trong đó, BTV Quang Minh dự kiến sẽ bị xử phạt 37,5 triệu đồng, bao gồm hai hành vi: Quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, vi phạm tại điểm a, khoản 2, Điều 52 của Nghị định 138 và quảng cáo sử dụng tên của bác sĩ vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 52 của Nghị định 38/2021.
Còn Vân Hugo, với việc vi phạm quy định liên quan đến quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng công dụng của sản phẩm, dự kiến mức phạt 70 triệu đồng, quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021.
HÀ AN, ảnh: TRẦN HUẤN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/nghe-si-can-than-trong-khi-nhan-quang-cao-128883.html