Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Khang:'Hạnh phúc là được mang tiếng hát phục vụ nhân dân'

Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Khang:'Hạnh phúc là được mang tiếng hát phục vụ nhân dân'
5 giờ trướcBài gốc
Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Khang.
- Thưa NSND Ngọc Khang, năm 1989, anh tham gia Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội lần thứ 2 và giành giải Nhất. Phải chăng đây là dấu ấn đầu tiên với âm nhạc và bước đầu định hình cho anh con đường với dòng nhạc trữ tình, cách mạng?
- Đúng như vậy. Lúc đó tôi đã học năm cuối cùng hệ trung cấp 4 năm tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Tôi tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội lần thứ 2 và giành Huy chương Vàng với những ca khúc: “Tùy hứng Lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến, “Nhớ Hà Nội” - nhạc sĩ Hoàng Hiệp và “Mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Thành công này đã bước đầu định hình cho tôi con đường với nhạc trữ tình, nhạc cách mạng mang tính hàn lâm. Sau đó, tôi được Nhà nước cử đi học tại Nhạc viện Tchaicovsky (Nga). Sau 7 năm du học, tôi về nước và đúng dịp ấy lại tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1999. Tôi đã hát bài “Chảy đi sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Mỗi khi hát ca khúc này, tôi vẫn cảm thấy xúc động. Tôi lại nhớ về những bài giảng của cô giáo, trong những ngày tháng học tập tại Nga, với những chia sẻ đầy tâm huyết: “Một người nghệ sĩ chân chính muốn nổi tiếng thực thụ thì cần nhớ 3 điều quan trọng: Kỹ thuật thanh nhạc, giọng hát trời cho được luyện tập cùng thời gian và sự nồng nàn của trái tim. Hay nói đúng hơn đó là các yếu tố: Cổ họng, trái tim, khối óc. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì chưa gọi là ca sĩ. Nếu anh thiếu trái tim - tình cảm mà chỉ có kỹ thuật thì cũng chỉ như một người thợ hát. Còn nếu chỉ có cảm xúc mà thiếu đi kỹ thuật thì người ca sĩ ấy không thể chuyển tải được tinh thần âm nhạc.
- Anh vẫn thường nhắc đến NSND Quý Dương. Anh học hỏi được điều gì từ thầy giáo của mình?
- NSND Quý Dương là người thầy đầu tiên của tôi về thanh nhạc. Tôi được học thầy 2 năm trước khi vào trường. Thầy cho tôi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thể hiện ca khúc. Nhưng trên hết, tôi học thầy tính cách, sự hết lòng vì học trò, khi hát đầy tình cảm. Sống ngoài đời như thế nào thì trong nghệ thuật, tôi tin chúng ta cũng như vậy. Nếu anh sống nồng nàn, yêu thương con người, yêu vạn vật thì trong nghệ thuật, con người ta cũng bao dung, chia sẻ, mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội. Tôi nhớ nhất những lần đạp xe cùng thầy trên con đường Thanh Niên, Phan Đình Phùng quen thuộc, rợp bóng cây và kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Nó giống như những “giờ giảng” không chính thức nhưng đã bồi đắp tâm hồn tôi, để hiểu hơn về Hà Nội, về cuộc đời làm nghệ sĩ của thầy.
- Hát về Bác luôn là niềm tự hào, đặc biệt NSND Ngọc Khang đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng công chúng với những ca khúc: "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", "Người là niềm tin tất thắng", "Bác đang cùng chúng cháu hành quân"... Kỷ niệm nào khiến anh nhớ mãi?
- Tôi từng biểu diễn nhiều ca khúc, với nhiều đề tài khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới được cả dân tộc Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ. Hát về Người, tôi có cơ duyên được đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước. Năm 2022, tôi giành cúp vàng Liên hoan nghệ thuật quốc tế Mùa xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) với ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh. Khi chúng tôi kết thúc phần biểu diễn, cả khán phòng vỗ tay không ngớt. Không ít lần đi biểu diễn ở nước ngoài, được hát ca khúc về Người, đối với tôi luôn là niềm tự hào, cảm xúc thiêng liêng, như được hát về người thân thương của mình.
Các nhạc sĩ viết nhạc về Bác Hồ với nhiều cung bậc khác nhau. Nếu như nhạc sĩ Thuận Yến viết “Bác Hồ một tình yêu bao la” với âm điệu êm ái, trải dài mênh mang thì “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh lại có chất cổ điển thính phòng, thiết tha nhưng đầy hào sảng, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (nhạc sĩ Trần Hoàn) lại đượm màu dân ca… Khi chọn bài hát về Bác, tôi luôn chọn những ca khúc phù hợp với phong cách của mình, với âm điệu da diết, mang phong cách thính phòng.
- Không chỉ tham gia nhiều chương trình biểu diễn trong Nam, ngoài Bắc, từ nơi hải đảo xa xôi đến vùng biên giới, các chương trình nghệ thuật tại nước ngoài, anh còn tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội… Chặng đường âm nhạc “thênh thang” ấy hẳn là để lại trong NSND Ngọc Khang nhiều cung bậc cảm xúc?
- Chặng đường của tôi nhiều thăng trầm nhưng mình đã đi đúng hướng, đi đến tận cùng của niềm đam mê âm nhạc, được khán giả yêu thương, được Nhà nước ghi nhận. Hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là hình ảnh của mình, giọng hát của mình được sống mãi trong lòng khán giả, mang tiếng hát và kiến thức của mình để phục vụ nhân dân một cách trọn vẹn.
- Trân trọng cảm ơn NSND Ngọc Khang!
Thúy Đinh thực hiện
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/nghe-si-nhan-dan-ngoc-khang-hanh-phuc-la-duoc-mang-tieng-hat-phuc-vu-nhan-dan-690236.html