Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Trách nhiệm và lương tri

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Trách nhiệm và lương tri
10 giờ trướcBài gốc
Mỗi sản phẩm được quảng cáo gắn với hình ảnh nghệ sĩ là một “cam kết ngầm” với công chúng về chất lượng, giá trị, công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên không ít nghệ sĩ vì sự dễ dãi, vì những lợi ích trước mắt mà không cần kiểm chứng xuất xứ của sản phẩm. Gần đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng “đua” tranh quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa tăng chiều cao... trên mạng xã hội một cách thái quá, thổi phồng công dụng.
Liệu họ có vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ nếu vô tình thì rất nhiều nghệ sĩ không phải giở “chiêu bài”, biến nội dung quảng cáo thành hình thức “trải nghiệm cá nhân” và “chia sẻ thông tin bổ ích cho công chúng” nhằm “né” bị xử phạt từ cơ quan chức năng. Một số nghệ sĩ nhận quảng cáo “lậu” từ các cơ sở kinh doanh, không xác lập các hợp đồng quảng cáo, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm.
Bạn bè tôi khi nghe MC Vân Hugo quảng cáo sữa Hiup tăng chiều cao cho các bé từ 1 - 2cm mỗi tháng và từ 3 - 5cm sau 3 tháng, không ít người đã nuối tiếc. Rằng họ biết đến sữa này quá muộn và đã để tuột thời điểm vàng uống sữa để cải thiện chiều cao cho con.
Sự việc bị phanh phui, nhiều người bất ngờ đến phẫn nộ. Họ lên tiếng yêu cầu nghệ sĩ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng sự thật không còn là câu chuyện chuyên môn nữa mà chính là vấn đề nhận thức, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Vậy họ phải chịu trách nhiệm thế nào đây? Một lời xin lỗi trên phương tiện truyền thông hay bị xử phạt hành chính như Biên tập viên Quang Minh 37,5 triệu đồng, MC Vân Hugo 70 triệu đồng?.
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Công an triệt phá một đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn với gần 600 sản phẩm do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp này đã thu gần 500 tỷ đồng từ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả. Trong số gần 600 loại sữa giả này, nhiều loại từng được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo với những mỹ từ: “dòng sữa hàng đầu”, “chất lượng rất tốt”...
Khách hàng không thể chấp nhận câu chuyện quảng cáo sai sự thật rồi lại lên tiếng xin lỗi. Bởi như thế là chưa đủ so với việc khách hàng phải chi trả tài chính, sức khỏe, tâm lý; số tiền xử phạt chẳng thấm là bao so với mức lợi nhuận mà người nổi tiếng nhận được từ chính quảng cáo sai sự thật. Dù vô tình hay cố tình cũng đều cho thấy sự vô trách nhiệm của nghệ sĩ với khán giả đã từng yêu mến họ, sẵn sàng đánh đổi danh tiếng chỉ vì lợi nhuận, bán rẻ lương tâm để khách hàng phải mua giá đắt.
Công chúng luôn dành cho người nổi tiếng sự quan tâm đặc biệt nên cũng có quyền đòi hỏi ở họ ý thức trách nhiệm trước cộng đồng xã hội. Không thể chỉ xin lỗi, mọi hành vi vi phạm của người nổi tiếng trong quảng cáo sản phẩm cần được xử lý nghiêm như: cấm quảng cáo nếu vi phạm, thậm chí xử lý hình sự để thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Bảo Anh
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/nghe-si-quang-cao-sai-su-that-trach-nhiem-va-luong-tri-37060.htm