Nghệ sĩ trước thị hiếu: Giữ chất riêng hay thay đổi?

Nghệ sĩ trước thị hiếu: Giữ chất riêng hay thay đổi?
19 giờ trướcBài gốc
Khi một divo bước vào nhạc thị trường
Nhạc thị trường, một khái niệm từ lâu luôn gắn liền với những bài hát dễ tiếp cận, dễ nghe và đôi khi là những sản phẩm mang tính tiêu thụ cao, có thể không phải là lựa chọn đầu tiên cho những nghệ sĩ "cao cấp" - những người đã từng chinh phục khán giả bằng tài năng đỉnh cao với cá tính âm nhạc riêng.
Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều ca sĩ gạo cội lại đang bắt đầu thử sức mình với nhạc thị trường. Gần nhất, ca sĩ Tùng Dương đã gây bất ngờ khi thể hiện ca khúc “Tái sinh” một sản phẩm âm nhạc hiện đang được giới trẻ rất yêu thích.
Ông Phạm Văn Quang (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi cũng có theo dõi Tùng Dương và rất thích phong cách của ca sĩ này. Việc Tùng Dương thể hiện ca khúc ‘Tái sinh’ thì cũng không tệ. Tuy nhiên thì tôi thích Tùng Duong hát những ca khúc cũ hơn”.
Nhạc thị trường lên ngôi - Nghệ sĩ đổi mới hay thỏa hiệp?
Sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một cuộc đua khốc liệt về xu hướng, lượt xem và sức hút của nghệ sĩ. Dưới áp lực đó, nhiều ca sĩ kỳ cựu đã chấp nhận thay đổi từ tư duy âm nhạc đến phong cách trình diễn, để tiệm cận hơn với thị hiếu khán giả trẻ. Nhưng liệu nhạc thị trường có phải là con đường bền vững? Hay chỉ là một sự thỏa hiệp với xu hướng ngắn hạn?
Mỗi năm, hàng nghìn ca khúc mới được tung ra thị trường, phủ sóng khắp các nền tảng âm nhạc. Nhưng giữa cơn lốc đó, có bao nhiêu bài hát thực sự đọng lại trong lòng khán giả? Người ta nhắc nhiều đến “nhạc thị trường”, rồi cả “ca sĩ thị trường”, những sản phẩm âm nhạc dễ nghe, dễ thuộc nhưng cũng dễ bị lãng quên.
Nhà báo Ngô Bá Lục cho biết: “Nhạc thị trường ở Việt Nam là dòng nhạc giải trí rất đơn giản, dễ nghe, dễ thuộc, giai điệu đơn giản. Nhiều người không được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng công chúng lại nghe rất nhiều. Dòng nhạc thị trường đến và đi rất nhanh, đáp ứng ngay lập tức lúc đó thôi, sau đó người ta quên. Đấy cũng là nhược điểm của nhạc thị trường ở Việt Nam”.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang được nhiều người gọi là "ông hoàng nhạc phim" vì phụ trách phần âm nhạc cho rất nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng. Anh cũng là người đứng sau các sản phẩm âm nhạc thành công như “Phố không mùa”, “Thế thôi”, “Đừng quên nhau” làm nên tên tuổi cho nhiều ca sĩ như: Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Bùi Anh Tuấn... Theo nhạc sĩ, âm nhạc Việt Nam phát triển rất đa dạng và những người nghệ sĩ tài năng, văn minh sẽ định hướng thị trường nhạc Việt.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang chia sẻ: “Âm nhạc Việt Nam đang được phát triển đa chiều và ai cũng có thể phát triển bản thân theo cách mình muốn. Thời đại này, những nghệ sĩ có tiếng nói tốt hơn, tiếp cận thị trường nhiều hơn. Xu thế cần những người đi đầu, họ sẽ sáng tạo nên những dòng nhạc người dân thích, hoàn toàn quản trị xu thế âm nhạc. Thời điểm này, các bạn trẻ nghe nhạc cuồng nhiệt hơn trước rất là nhiều, tạo nên xu thế nghe nhạc văn minh. Và chính những người đang định hướng các bạn trẻ nghe nhạc như vậy, họ sẽ tiếp tục trau dồi trong tương lai”.
Không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới, xu hướng nhạc thị trường cũng đang thay đổi nhanh chóng. Các nghệ sĩ lớn như Taylor Swift, The Weeknd hay BTS cũng phải liên tục làm mới phong cách, thử nghiệm những thể loại mới để phù hợp với thị hiếu công chúng.
Sự chuyển mình của các ca sĩ nổi tiếng sang phong cách âm nhạc mới có thể là một bước tiến tích cực, giúp họ làm mới bản thân, mở rộng đối tượng khán giả. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán đầy thách thức, đòi hỏi sự cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và tính thương mại.
Nhạc thị trường có thể là một xu hướng, nhưng không thể là đích đến cuối cùng của âm nhạc. Một nghệ sĩ thực thụ không chỉ chạy theo xu hướng mà còn phải biết tạo ra xu hướng, giữ vững cá tính âm nhạc của riêng mình. Liệu sự chuyển mình của họ có phải là đổi mới thực sự, hay chỉ là một sự thỏa hiệp? Câu trả lời nằm ở chính cách mà họ tạo ra những sản phẩm âm nhạc tiếp theo.
Xu hướng của nghệ sĩ trước thị hiếu công chúng
Trần Vân Anh, cô ca sĩ trẻ bước ra từ cuộc thi "Tiếng hát Hà Nội 2023", theo đuổi dòng nhạc dân gian từ khi mới bước chân vào con đường ca hát. Trước nhiều thay đổi của thị trường âm nhạc và thị hiếu của khán giả, Vân Anh vẫn kiên định với lựa chọn ban đầu của mình.
Ca sĩ Trần Vân Anh chia sẻ: “Mình biết rằng với thị trường bây giờ, dòng nhạc nhẹ và dòng nhạc trẻ sẽ rất dễ tiếp cận với khán giả. Lý do mình vẫn tiếp tục lựa chọn dòng nhạc dân gian vì mình sinh ra tại vùng quê và luôn yêu quê hương của mình. Mình tìm được những ca từ ngày xưa của các nhạc sĩ để lại trong từng ca khúc dân gian nên muốn là một trong những số ít theo dòng nhạc quê hương nhằm giữ lại những nền văn hóa của những nghệ sĩ gạo cội đã để lại”.
Không thể phủ nhận rằng, âm nhạc thị trường đang có sức hút mạnh mẽ đối với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều ca sĩ đã thành công vang dội nhờ phong cách âm nhạc hiện đại, phù hợp với xu hướng của công chúng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc này cũng đặt ra không ít thách thức và cơ hội cho các nghệ sĩ, những người từng giữ vững phong cách riêng, giờ đây phải đối mặt với quyết định quan trọng: thay đổi để phù hợp hay kiên định với con đường nghệ thuật của mình?
Một điều chắc chắn là sự thay đổi, sáng tạo không ngừng sẽ giúp các nghệ sĩ tồn tại và phát triển trong một thị trường âm nhạc đầy cạnh tranh. Nhưng cùng với đó mỗi nghệ sĩ vẫn phải giữ được chất riêng, cá tính âm nhạc riêng biệt thì mới có thể thành công lâu dài.
Phan Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nghe-si-truoc-thi-hieu-giu-chat-rieng-hay-thay-doi-304617.htm