Một thực trạng đáng lo ngại đang ngày càng hiện hữu trong giới nghệ sĩ Việt, đó là nhiều gương mặt nổi tiếng tham gia quảng bá các sản phẩm liên quan đến sức khỏe bằng những tuyên bố gây hiểu lầm, thiếu cơ sở khoa học, thậm chí sai lệch hoàn toàn. Từ thuốc, thực phẩm chức năng đến các loại kẹo tăng chiều cao, sự dễ dãi trong phát ngôn đang biến danh tiếng thành công cụ tiếp tay cho những trò đánh cược với sức khỏe cộng đồng.
Không ít nghệ sĩ đã chọn cách quay video tự giới thiệu sản phẩm với giọng điệu gần gũi, như chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Một số khác đọc kịch bản sẵn, không kiểm chứng nội dung, trong khi có người sau khi phát hiện hình ảnh mình bị gắn vào sản phẩm sai phép mới vội vã lên tiếng thanh minh. Nhưng không phải ai cũng là nạn nhân.
Quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe tràn lan trên mang - Ảnh: Chụp màn hình
Một ví dụ điển hình là MC Quyền Linh, người từng được yêu mến bởi hình ảnh giản dị và gần gũi. Anh đã quảng cáo sữa Diasure với những lời lẽ chắc nịch như: “Tôi đã sử dụng và thấy khỏe ra, không còn tiểu đêm, tay chân đỡ tê, đường huyết về mức gần bình thường". Những lời này đã khiến giới chuyên môn phản ứng mạnh mẽ vì gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người bệnh tiểu đường, một nhóm bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định y khoa. Sau làn sóng chỉ trích, Quyền Linh buộc phải rút lại phát ngôn và công khai xin lỗi.
NSND Hồng Vân từng quảng bá một loại viên sủi thảo dược với thông điệp khiến người nghe hiểu rằng có thể cải thiện sức khỏe đáng kể mà không cần đến bệnh viện. NSƯT Cát Tường cũng dính lùm xùm khi đưa ra những phát biểu thiếu căn cứ về sữa Diasure. Cả ba nghệ sĩ đều từng sở hữu lượng khán giả trung thành, nhưng chỉ một đoạn quảng cáo sai lệch đã khiến hình ảnh của họ bị sứt mẻ nghiêm trọng.
Gần đây nhất, hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên trở thành tâm điểm của một vụ việc nghiêm trọng khi quảng bá sản phẩm kẹo Kera, được giới thiệu như một phương pháp giúp trẻ tăng chiều cao vượt trội. Trong khi sản phẩm không được chứng minh hiệu quả qua nghiên cứu lâm sàng nghiêm túc, lời quảng cáo lại gợi lên giấc mơ kỳ diệu khiến nhiều phụ huynh chi tiền mua hy vọng. Điều đáng chú ý là vụ việc không chỉ dừng lại ở phản ứng dư luận. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố hình sự, và Thùy Tiên hiện bị tạm giam để phục vụ điều tra hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một diễn biến chưa từng có tiền lệ với một hoa hậu.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố tội Lừa dối khách hàng - Ảnh: VTV
Câu hỏi đặt ra là vì sao những người đã có chỗ đứng, có hình ảnh đẹp, có thu nhập ổn định lại dễ dàng đặt cược uy tín vào các hợp đồng quảng cáo sức khỏe. Phải chăng là do tiền quá dễ kiếm, hay vì họ đánh giá quá thấp trách nhiệm đạo đức đi kèm với sự nổi tiếng.
Trong lĩnh vực sức khỏe, mỗi lời nói từ người nổi tiếng đều mang sức nặng đặc biệt. Bệnh nhân cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, phụ huynh nuôi con nhỏ, tất cả đều dễ bị ảnh hưởng bởi lời khuyên từ nghệ sĩ. Hậu quả không đơn thuần là hiểu nhầm mà có thể dẫn đến hành vi sai lệch nguy hiểm, bỏ toa bác sĩ, tự mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, dẫn đến biến chứng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì vậy, nghệ sĩ không thể ngụy biện bằng lý do bị gài bẫy hay thiếu hiểu biết. Khi nhận lời quảng bá một sản phẩm liên quan đến sức khỏe, nghệ sĩ có trách nhiệm kiểm tra thông tin, tham vấn chuyên gia và từ chối nếu thiếu cơ sở khoa học. Danh tiếng không thể là tấm thẻ miễn trách nhiệm cho việc gieo rắc thông tin sai lệch.
Duy Mạnh trong quảng cáo thực phẩm chức năng 3 năm về trước, anh thừa nhận mình đã tiếp tay cho hãng này lừa dối người tiêu dùng - Ảnh: FBNV
Về phía cơ quan quản lý, đã đến lúc cần siết chặt hơn nữa. Các chế tài hiện hành chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ răn đe. Cần bổ sung biện pháp mạnh như tạm dừng phát sóng, hạn chế hoạt động thương mại trong thời gian xác định với những cá nhân vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, cần công khai kết quả xử lý để làm gương và bảo vệ người tiêu dùng.
Công chúng yêu quý nghệ sĩ vì tài năng, sự đồng hành và cảm xúc mà họ mang lại. Nhưng chính niềm tin ấy cũng dễ trở thành nạn nhân nếu bị lợi dụng vì mục đích thương mại. Một lời nói sai có thể bán được vài nghìn hộp sản phẩm. Nhưng nó cũng có thể khiến một người mất trắng sự nghiệp, và đáng sợ hơn cả là làm tổn thương những người bệnh vốn đã mong manh.
Danh tiếng là để tạo dựng niềm tin. Không phải để đánh đổi nó.
Một lời quảng cáo sai có thể chỉ là vài phút livestream, vài trăm triệu đồng thù lao. Nhưng hệ lụy là hàng nghìn người mua nhầm, là bệnh tật, là mất tiền, là hoang mang, là khủng hoảng niềm tin. Các cơ quan quản lý không nên đứng ngoài mà cần mạnh tay hơn, chủ động hơn, thậm chí là quyết liệt hơn trong việc xử lý sai phạm, kể cả khi luật mới chưa được thông qua.
PGS - TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội
Tiểu Vũ