Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý II năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong buổi họp báo thường kỳ Quý II năm 2025 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức chiều qua 24/7, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về vấn đề xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của nghệ sĩ, khi tình trạng các nghệ sĩ vi phạm trong hoạt động quảng cáo gia tăng, trong đó có cả những cá nhân đã vi phạm pháp luật.
Về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương- Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: “Quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng như của Bộ VH-TT&DL, các nghệ sĩ cũng là công dân, vì vậy, trước hết, nghệ sĩ phải thực hiện theo đúng quy định của công dân trước pháp luật.”.
Cũng theo ông Trần Hướng Dương, với đặc thù là những người có ảnh hưởng trong xã hội, nghệ sĩ càng cần nâng cao trách nhiệm của bản thân. Nghệ sĩ cần có khán giả, khi mất niềm tin của khán giả thì nghệ sĩ không còn gì nữa!
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cũng cho biết, hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trên báo chí, truyền hình.
Trên thực tế, Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được ban hành từ năm 2021 (theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL), tuy nhiên đây không phải là văn bản pháp luật nên chưa có tính răn đe. Bộ quy tắc chỉ xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật chứ không có chế tài xử phạt với nghệ sĩ vi phạm.
Làm rõ thêm quy trình kiểm soát sự hiện diện của người nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông và không gian mạng trong trường hợp vi phạm, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây) đã xây dựng quy trình hạn chế ảnh hưởng của những nhân vật nổi tiếng từ năm ngoái. Tuy nhiên, quy trình này vẫn chưa được triển khai thực tế, do chưa có trường hợp cụ thể để áp dụng thử nghiệm.
Gần đây, dù đã có một số vi phạm có thể là cơ sở để áp dụng, song do việc sáp nhập Thanh tra Bộ, nên hiện chưa có đơn vị chủ trì triển khai.
"Hiện chưa có quy định pháp luật nào cấm người nổi tiếng vi phạm Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, Cục mong muốn sẽ thể chế hóa vấn đề này thành quy định pháp luật để việc thực hiện hiệu quả, có sức răn đe", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Về câu hỏi liên quan đến việc 2 nghệ sĩ Quyền Linh và Doãn Quốc Đam có hành vi quảng cáo sai sự thật nhưng chưa bị xử phạt, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, cơ quan chức năng đã mời 2 nghệ sĩ này làm việc; đồng thời phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để đánh giá cụ thể nội dung quảng cáo.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, hợp đồng quảng cáo của 2 nghệ sĩ với doanh nghiệp đã chấm dứt từ 2 năm trước. "Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt là dưới 2 năm. Ngoài ra, mức độ vi phạm trong quảng cáo chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, Cục có nhắc nhở các nghệ sĩ; 2 nghệ sĩ cũng bày tỏ sẽ phối hợp với Cục trong truyền thông, thông tin rõ hơn đến các nghệ sĩ khác để nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia quảng cáo", ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Tại buổi họp báo, bên cạnh các vấn đề liên quan đến quảng cáo của nghệ sĩ, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng thông tin về thực trạng lừa đảo ngày càng phổ biến trên mạng xã hội, trong đó có nhiều tài khoản giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo ông, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, có tổ chức, thậm chí mang tính xuyên quốc gia, với quy mô hoạt động lớn.
Trước tình hình đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã triển khai 2 giải pháp trọng tâm.
Giải pháp thứ nhất làvphối hợp cùng các nền tảng mạng xã hội sử dụng công nghệ để phát hiện, xác minh và gỡ bỏ các tài khoản giả mạo. Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các nền tảng đã gỡ khoảng 30 ngàn tài khoản giả mạo.
Giải pháp tiếp theo là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Về giải pháp này, Cục phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) gửi tin nhắn cảnh báo tới người dân, cung cấp thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới mà tội phạm đang sử dụng.
Đây là những nỗ lực, cố gắng của cơ quan chức năng, nhưng theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, trong bối cảnh phát triển của công nghệ mới, đặc biệt là AI, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền để mỗi người dân có sức đề kháng trước lừa đảo của không gian mạng.
Minh Anh