Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức với sự tham gia của 29 đơn vị, đoàn nghệ thuật cải lương trên cả nước với 33 vở diễn, cùng hơn 1.000 diễn viên.
Nghệ sĩ Võ Huỳnh Mơ (bìa trái) nhận Huy chương vàng tại Liên hoan
Dự Lễ bế mạc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Thường; Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Xuân Bắc; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi...
Theo báo cáo tổng kết của Ban Tổ chức, trong 33 vở diễn tham gia liên hoan có 2 vở đề tài danh nhân văn hóa nghệ thuật dân tộc; 11 vở diễn đề tài lịch sử; 7 vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng và 13 vở diễn đề tài đương đại. Điều đó chứng tỏ, đề tài được khai thác qua các vở diễn tại Liên hoan rất phong phú và đa dạng về phong cách thể hiện.
Nghệ sĩ Võ Huỳnh Mơ đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024.
Việc tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật Cải lương trong giai đoạn hội nhập. Liên hoan cũng là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp.
Cảnh trong vở "Cánh đồng bất khuất".
Kết quả, Ban Tổ chức Liên hoan đã chọn trao 4 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc cho vở diễn xuất sắc. Ở giải cá nhân có 41 Huy chương Vàng, 63 Huy chương Bạc được trao cho các nghệ sĩ, diễn viên. Vở cải lương "Cánh đồng bất khuất" của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tham gia liên hoan đã xuất sắc giành 2 huy chương. Trong đó, Nghệ sĩ Võ Huỳnh Mơ đoạt Huy chương Vàng với vai má Sáu, Nghệ sĩ Phạm Văn Mong (nghệ danh Vương Hoài Phong) đoạt Huy chương Bạc với vai anh Đừng.
Nghệ sĩ Võ Huỳnh Mơ trong vai má Sáu.
"Cánh đồng bất khuất" (kịch bản của Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Huỳnh Anh) lấy bối cảnh của chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng của quân và dân ta vào ngày 2-1-1963. Vở diễn tập trung khắc họa hình ảnh những chiến sĩ bộ đội của Tiểu đoàn 261 anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; đồng thời, ca ngợi tinh thần đoàn kết, bất khuất của nhân dân ta. Vở diễn được đầu tư chỉnh chu về nội dung kịch bản, diễn viên cho đến cảnh trí, phục trang, âm nhạc, ánh sáng sân khấu... đem đến cho người xem nhiều xúc cảm về câu chuyện bi hùng trên cánh đồng Ấp Bắc hơn 60 năm về trước.
KHÁNH NHƯ