Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển biểu diễn trong chương trình khai mạc nội dung thi đấu bóng bàn của SEA Games 22, tại Hải Dương. Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (trước đây là Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển) xúc động mỗi khi những kỷ niệm với mảnh đất - con người Hải Dương thân thương được đánh thức trong ông. Theo nhạc sĩ, sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển đã nhiều lần về Hải Dương biểu diễn; Đoàn Kịch Hải Dương cũng đã nhiều lần đưa những vở kịch hấp dẫn đến với khán giả Phú Yên. “TP Hải Dương có nhà hát rộng như Nhà hát Nhân dân TX Tuy Hòa trước đây. Đến Hải Dương, Sao Biển thường biểu diễn tại đó; từ lãnh đạo địa phương đến bà con khán giả đều nhiệt tình ủng hộ đoàn nghệ thuật của tỉnh kết nghĩa. Đặc biệt là anh em nghệ sĩ Hải Dương rất tình cảm”, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc bồi hồi.
Nghĩa tình sâu nặng
Trong những chuyến lưu diễn tại Hải Dương, Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển đã đưa những tiết mục nghệ thuật mang sắc màu văn hóa của vùng đất Phú Yên đến các huyện. Nghe tin đoàn nghệ thuật của Phú Yên về biểu diễn, các CCB Hải Dương - những người từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và chiến đấu trên chiến trường Phú Yên - đến xem, thăm hỏi, mời nghệ sĩ đến nhà chơi. Các CCB kể về những năm tháng đồng cam cộng khổ với quân và dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kể về những đồng đội mãi mãi nằm lại ở một nơi nào đó trên quê hương Phú Yên thân thương.
Lần nọ, khi Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển biểu diễn tại một huyện thuộc tỉnh Hải Dương, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc gặp một nhân viên bảo vệ. Ông ấy kể với nhạc sĩ rằng cha mình hy sinh trên chiến trường Phú Yên, tới giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Từng đó năm, mẹ con ông ngóng trông tin tức về người chồng, người cha liệt sĩ, và tin rằng người thân của họ đã yên nghỉ cùng đồng đội trong một ngôi mộ tập thể trên đất Phú Yên. Nhưng ước mong tìm được người thân, dẫu thịt xương đã hòa vào đất mẹ, vẫn chưa bao giờ tắt. Đó cũng là ước mong khắc khoải của không ít gia đình liệt sĩ ở Hải Dương.
Sau khi nghe nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc kể lại câu chuyện xúc động này, nhạc sĩ Tấn Phát, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, đã sáng tác một vở kịch ngắn, được Đoàn Kịch Hải Dương dàn dựng. Và, mỗi lần Đoàn Kịch Hải Dương biểu diễn vở kịch này, khán giả đều rơi nước mắt.
Nhiều lần về Hải Dương biểu diễn phục vụ cán bộ và Nhân dân, các nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển được nghe những câu chuyện xúc động về nghĩa tình Hải Dương - Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc kể: Tôi đến một thị trấn ở Hải Dương và nhìn thấy trên bức tường nhuốm màu thời gian những hình ảnh cổ động cùng dòng chữ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho Phú Yên ruột thịt”.
Những điều đó thôi thúc Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc Sao Biển “làm điều gì đó” để đền đáp nghĩa tình sâu nặng.
Ca khúc
Thành Đông Hải Dương
được nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc sáng tác vào tháng 10/2014. Ảnh: YÊN LAN
Nhịp cầu nghệ thuật
Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc đã chia sẻ với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, khi đó là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Sao Biển, về ý tưởng tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt gây Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Năm 2001, ý tưởng này được đoàn triển khai.
Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc kể: “Tôi báo cáo với anh Ba Quang (đồng chí Nguyễn Thành Quang, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - PV). Anh Ba Quang đã viết thư gửi Bí thư và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, trao đổi về việc Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển biểu diễn phục vụ đồng bào trên quê hương kết nghĩa, mang thông điệp của đồng bào quê hương Phú Yên đến đồng bào Hải Dương. Đồng thời, thông qua các đêm biểu diễn, đoàn vận động quyên góp để gây quỹ hỗ trợ xây nhà Tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách... còn nghèo khó. Tại Phú Yên, Công ty Bia Sài Gòn - Phú Yên, Công ty Vật tư tổng hợp tỉnh, anh Hai Phú (ông Trình Quang Phú - PV)... nhiệt tình ủng hộ chương trình. Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển đã mời ca sĩ Mỹ Linh, nghệ sĩ hài Xuân Hinh, nghệ sĩ Quốc Khánh - Quang Thắng tham gia biểu diễn.
Chương trình ca nhạc đặc biệt gây Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do Sở VHTT hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên phối hợp tổ chức, diễn ra vào tối 21/6/2001 tại Nhà hát Nhân dân TP Hải Dương. Rất đông khán giả đến xem, ủng hộ. “Bà con ngồi chật kín nhà hát. Anh Hai Lộc (đồng chí Đào Tấn Lộc, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - PV) đang đi công tác ở Hà Nội cũng đến dự; anh Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Sở VHTT Phú Yên; anh Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở VHTT Phú Yên đều có mặt. Nhạc sĩ Trần Minh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hải Dương dẫn chương trình. Chương trình ca nhạc đặc biệt gây Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thu được 140 triệu đồng; anh Hai Lộc trao cho Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương ngay tại sự kiện đó”, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc kể.
Đến nay, sau gần 24 năm, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc vẫn giữ bản photo bức thư của đồng chí Nguyễn Thành Quang và một chiếc vé của chương trình ca nhạc đặc biệt này.
Trong rất nhiều kỷ niệm gắn với đất và người Hải Dương sâu nặng nghĩa tình, có một kỷ niệm liên quan tới sự kiện TP Hải Dương kỷ niệm 210 năm khởi lập Thành Đông, 60 năm ngày giải phóng thành phố, vào tháng 10/2014. Khi đó, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển về Hải Dương biểu diễn phục vụ đồng bào. Nhạc sĩ Trần Minh - tác giả ca khúc Gửi Phú Yên - đề nghị nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc sáng tác một ca khúc về TP Hải Dương. Tối hôm đó, khi anh em nghệ sĩ Sao Biển biểu diễn, nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc sáng tác ca khúc Thành Đông Hải Dương. Ca khúc có giai điệu mang hơi thở của điệu hát trống quân và chèo Thành Đông, ca từ đầy chất thơ: “Thành Đông Thành Đông đất cổ cha ông/ Những con sông giăng tứ bề, những con đê giữ xóm làng/ Màu xanh cỏ hoa, mùi rơm thơm hương lúa mới/ Hải Dương Hải Dương sách sử ghi danh, Tiến quân ca vang phố phường, nhớ mùa thu rợp bóng cờ/ Gọi anh gọi em mừng quê hương thơm nắng mới/ Để cho ngày nay Hải Dương vui những con đường/ Để cho ngày nay Hải Dương xôn xao những công trường/ Ngân nga trời xa, câu hát trống quân hội chèo xao xuyến…”.
Tại quảng trường TP Hải Dương, các nghệ sĩ, ca sĩ hai tỉnh anh em đã cất cao tiếng hát Thành Đông Hải Dương trong sự kiện rất đặc biệt của thành phố quê hương. Với tiếng hát của nghệ sĩ, ca sĩ hai tỉnh anh em, ca khúc này cũng đã vang lên tại quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), trong một sự kiện đặc biệt của tỉnh Phú Yên.
Nhiều năm sau, ca khúc Thành Đông Hải Dương vẫn được sử dụng rộng rãi trong các sự kiện kỷ niệm của Hải Dương.
Có thể nói, nghệ thuật đã bắc một nhịp cầu gắn kết hai tỉnh anh em thêm bền chặt.
Tôi đến một thị trấn ở Hải Dương và nhìn thấy trên bức tường nhuốm màu thời gian những hình ảnh cổ động cùng dòng chữ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho Phú Yên ruột thịt”.
Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc
YÊN LAN