Tái chế nhựa – từ chiến lược quốc tế đến hành động cộng đồng
Ở nhiều nước phát triển, tái chế nhựa đã trở thành một phần thiết yếu trong chính sách môi trường và giáo dục. Đức là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tái chế rác thải, đạt khoảng 65%, nhờ hệ thống phân loại rác tại nguồn hiệu quả và ý thức bảo vệ môi trường cao của người dân. Thông qua sáng kiến "Green Dot", rác được phân loại chi tiết theo màu sắc thùng đựng: rác hữu cơ, rác thường, rác tái chế từ nhựa, giấy, thủy tinh... Mỗi năm, Đức tái chế khoảng 10 triệu tấn rác hữu cơ, tận dụng làm khí sinh học hoặc phân bón. Việc phân loại rác tại Đức tuân theo nguyên tắc rõ ràng: rác tái chế được bỏ vào thùng màu vàng, rác giấy vào thùng xanh dương, thủy tinh vào các thùng riêng cho từng màu sắc (trắng, nâu, xanh lá), còn rác hữu cơ được xử lý trong thùng màu nâu. Quy trình thu gom và xử lý khép kín này không chỉ giúp giảm lượng rác thải chôn lấp mà còn tiết kiệm đáng kể tài nguyên và năng lượng, đồng thời tạo ra một nền văn hóa phân loại rác ăn sâu vào đời sống hằng ngày của người dân.
Nhật Bản cũng là quốc gia tiên phong trong công nghệ tái chế, đặc biệt với mô hình đốt rác phát điện và tái chế nhựa. Chính phủ đặt mục tiêu tái chế 100% chai nhựa và giảm mạnh rác thải nhựa dùng một lần. Hiện tại, tỷ lệ tái chế bao bì nhựa đạt khoảng 84%, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Nhiều quốc gia còn khuyến khích tái chế qua các dự án cộng đồng như chợ đồ cũ, thư viện vật dụng, hoặc sáng tạo nghệ thuật từ rác thải nhựa.
Theo anh Phạm Minh Đức – Giám đốc Công ty TNHH DNXH tái chế Sông Hồng: "Tại Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa, nhưng chỉ 33% được tái chế, chủ yếu là bao bì PET với tỷ lệ đạt 50%, phần còn lại bị chôn lấp và đốt, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính đến từ thói quen tiêu dùng, hệ thống thu gom, phân loại còn yếu, và sự thiếu kết nối giữa giáo dục, văn hóa với môi trường."
Anh Phạm Minh Đức – Giám đốc Công ty TNHH DNXH tái chế Sông Hồng
Anh Đức nhận định thêm: "Người dân Việt Nam chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, vẫn coi việc xử lý rác là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Các chiến dịch tuyên truyền cũng chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi. Để cải thiện, cần đưa giáo dục phân loại rác vào trường học, và tổ chức nhiều chương trình truyền thông sáng tạo, gắn phân loại, tái chế với lợi ích thực tế hàng ngày."
Bên cạnh các sáng kiến cộng đồng, giới chuyên gia cho rằng để tái chế nhựa hiệu quả, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp và chính sách. Các nhà sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa cần cam kết thu hồi, tái chế sản phẩm sau tiêu dùng theo mô hình "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR). Đồng thời, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 cần được đẩy mạnh với hệ thống thu gom và xử lý đồng bộ.
Triển lãm “Kỷ nguyên Nhựa”: Nghệ thuật và bài học môi trường dành cho trẻ em
Từ ngày 15/3 đến 1/6/2025 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hà Nội), triển lãm “Kỷ nguyên Nhựa” mang đến một thế giới sinh vật khổng lồ được ghép từ hơn 50.000 món đồ chơi nhựa bỏ đi. Những mô hình như khủng long, nai, chim,… đều được tạo nên bằng sự kỳ công của nghệ sĩ Fuji Hiroshi – người đã dành hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật tái chế.
Căn phòng trưng bày tác phẩm khủng long được tạo nên từ hàng nghìn mảnh ghép đồ chơi bị bỏ đi
Không chỉ là một không gian nghệ thuật, triển lãm “Kỷ nguyên nhựa” còn đóng vai trò như một “lớp học cộng đồng” về tái chế. Nhiều gia đình cho biết các em nhỏ thích thú khi nhận ra món đồ chơi quen thuộc đã được “tái sinh” trong hình hài mới.
Khu đồ chơi nằm ngay dưới mô hình tái chế thu hút rất nhiều em nhỏ.
Một điểm nhấn tại triển lãm là hoạt động đổi đồ chơi nhựa. Trẻ em được khuyến khích mang đồ chơi cũ từ nhà đến để trao đổi với bạn bè, hoặc tự chế tác thành tác phẩm nghệ thuật. Đây là bước khởi đầu để hình thành thói quen phân loại rác, tái sử dụng và tiêu dùng có trách nhiệm trong các gia đình đô thị – nơi khởi nguồn của phần lớn rác thải nhựa. Ý tưởng sáng tạo từ rác thải nhựa tại triển lãm cũng gợi mở một hướng đi mới: thiết kế sản phẩm ngay từ đầu với vòng đời bền vững, dễ tái chế và thân thiện với môi trường. Đây sẽ là chìa khóa để giảm gánh nặng rác thải ngay từ khâu sản xuất.
Chị Thương (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Gia đình mình thường quyên góp đồ chơi cũ của các con để ủng hộ những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn — đó cũng là cách phổ biến để tái sử dụng đồ chơi. Khi đến triển lãm, mình rất ấn tượng với cách tác giả sáng tạo, biến những món đồ chơi ấy thành các tác phẩm nghệ thuật hoành tráng như vậy."
Triển lãm “Kỷ nguyên Nhựa” là bước đi tiên phong gợi mở khả năng kết hợp giữa sáng tạo và tái chế trong giáo dục cộng đồng. Với câu hỏi gợi mở: “Liệu nhựa có trở thành hóa thạch tương lai?”, triển lãm gợi cho người xem suy ngẫm về hệ quả tiêu dùng và ô nhiễm nhựa.
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước cải thiện hệ thống quản lý chất thải và nâng cao nhận thức cộng đồng, triển lãm “Kỷ nguyên Nhựa” cho thấy nghệ thuật có thể là chất xúc tác hữu hiệu để đưa thông điệp môi trường đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ tương lai. Mỗi món đồ chơi nhựa được tái sinh hôm nay chính là một bài học nhỏ gieo mầm nhận thức cho tương lai. Bắt đầu từ những hành động giản dị nhất, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một cộng đồng xanh hơn, phát triển một cách bền vững hơn cho thế hệ sau.
Thu Hà, Phương Trang, Thùy Linh