Trồng thử nhưng “ăn” thiệt!
Trước đây, việc trồng hoa không phải là một nghề phổ biến của người dân Bình Sơn. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu thị trường hoa Tết ngày càng gia tăng, đặc biệt là các giống hoa như cúc, vạn thọ, nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa Tết. Dù trồng thử, nhưng các mùa hoa Tết đã mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân.
Ông Phạm Hiền (64 tuổi), một trong những người tiên phong trong việc trồng hoa Tết ở xóm An Huề, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), vẫn nhớ như in những ngày đầu gia đình ông trồng thử vài chục chậu hoa cúc và vạn thọ. Khi ấy, ông cũng không dám chắc liệu vụ hoa có thành công hay không, nhưng khi gần đến ngày thu hoạch ông bất ngờ vì hoa phát triển tốt, chất lượng cũng rất cao. Mô hình trồng hoa này đã giúp gia đình ông Hiền thu về nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại nông sản khác.
Ông Hiền đang tất bật chăm sóc hoa, để chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới.
Nhờ kết quả khả quan từ những thử nghiệm ban đầu, nghề trồng hoa Tết đã nhanh chóng được trồng tại nhiều xã như Bình Hòa, Bình Hải với hàng ngàn chậu hoa Tết các loại. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, Bình Sơn giờ đây đang dần trở thành một địa phương lý tưởng để phát triển nghề trồng hoa Tết, hướng tới xây dựng một thương hiệu hoa Tết riêng biệt, góp phần nâng tầm giá trị cho vùng đất ven biển này.
Mở rộng vùng trồng hoa
Mùa Tết năm nay, ngoài các giống hoa truyền thống như cúc, vạn thọ nhiều hộ gia đình ở Bình Sơn còn mở rộng diện tích trồng thêm các loại hoa mới như mào gà, thược dược, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường Tết Nguyên đán. Anh Lê Văn Tiếp (34 tuổi), thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn) cho biết, năm nay gia đình anh trồng hơn 1.000 chậu hoa các loại, tăng 200 chậu so với năm ngoái. Mặc dù công chăm sóc tốn nhiều công sức hơn trồng các loại cây khác, nhưng anh tin rằng với nhu cầu thị trường Tết, đây sẽ là một mùa thu hoạch bội thu.
Anh Tiếp trồng thêm các loại hoa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.
Được biết, thời gian xuống giống vụ hoa Tết thường vào giữa tháng 7 âm lịch, vì vậy mà ngay từ những ngày đầu tháng, nhiều hộ dân đã bắt tay vào công việc chuẩn bị cây giống. Từ việc lựa chọn giống cho đến các kỹ thuật chăm sóc, mỗi bước đều phải được thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo cây giống phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trồng hoa cũng ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm. Các giống hoa cao cấp, chủ yếu nhập về từ Đà Lạt, được bà con lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn về độ bền, màu sắc và thời gian nở dài. Ngoài ra, bà con nơi đây cũng không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ việc sử dụng phân bón hữu cơ cho đến các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh và tưới tiêu hợp lý. Nhờ vậy mà năng suất hoa ngày càng tăng, chất lượng hoa cũng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cả trong và ngoài tỉnh.
Với chất lượng vượt trội, nên giá trị mỗi chậu hoa bán ra cũng tăng lên đáng kể. Theo thông tin từ các hộ dân trồng hoa, giá bán sỉ mỗi chậu hoa cúc dao động từ 500 nghìn đồng, còn giá bán lẻ có thể lên đến 700 nghìn đồng hoặc thậm chí hơn 1 triệu đồng, tùy thuộc vào chất lượng của hoa. Các loại hoa khác như vạn thọ, mào gà, thược dược có giá từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng mỗi chậu, cũng tùy vào chất lượng và kích thước của từng loại. Mức lợi nhuận này cho thấy nghề trồng hoa Tết không chỉ trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của nhiều hộ gia đình, mà còn tạo động lực cho họ tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích.
Nông dân sử dụng kỹ thuật tưới phân thủ công giúp hoa phát triển đều hơn.
Mặc dù mang lại lợi nhuận cao, nghề trồng hoa Tết tại Bình Sơn cũng gặp không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất mà người dân phải đối mặt là sự biến đổi của thời tiết, đặc biệt là trong giai đoạn hoa đang nở. Những đợt mưa lớn hay thời tiết khắc nghiệt có thể làm giảm chất lượng hoa, ảnh hưởng đến năng suất và giá trị bán ra.
Ông Đặng Tấn Thành (45 tuổi), thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn), chia sẻ, chúng tôi luôn lo lắng về thời tiết, nhất là vào những ngày cận Tết, khi hoa đang vào mùa nở. Vì một cơn mưa lớn kéo dài có thể làm hỏng cả vụ hoa, nên bà con chúng tôi luôn phải chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hải Tiêu Văn Tiến cho biết, tại xã có 6 hộ chuyên trồng hoa Tết. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực đề ra các kế hoạch để hỗ trợ về nguồn vốn cho bà con, nhằm khuyến khích chuyển đổi đất rừng trồng keo sang trồng hoa. “Chúng tôi cũng đã phối hợp để tổ chức các lớp tập huấn giúp nâng cao năng lực sản xuất cho bà con, giúp họ giảm thiểu rủi ro do biến động của thời tiết. Mục tiêu là mong muốn hỗ trợ bà con phát triển nghề trồng hoa, mở rộng thành một làng hoa để tạo nên nét đẹp cho quê hương”, ông Tiến cho biết thêm.
Mặc dù chỉ mới phát triển trong thời gian ngắn, nhưng nghề trồng hoa Tết ở Bình Sơn đã mở ra những cơ hội kinh tế đầy triển vọng. Từ một nghề mới, trồng hoa tết đang dần được nhiều hộ dân ở Bình Sơn lựa chọn trở thành một trong những nghề mũi nhọn, hứa hẹn mang lại sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: ÁI VY