'Nghẹt thở' đồng hành cùng học sinh tuổi dậy thì

'Nghẹt thở' đồng hành cùng học sinh tuổi dậy thì
12 giờ trướcBài gốc
Học sinh trường Marie Curie trong tiết học kỹ năng sống
Những câu chuyện "nghẹt thở"
Chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang (Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie, Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn tuổi dậy thì, học sinh thường đối mặt với căng thẳng từ học tập, áp lực gia đình, và mối quan hệ bạn bè…
Nhiều em gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, cảm thấy rất bế tắc vì không thể chia sẻ với bố mẹ hay bạn bè. Một số em đã gõ cửa cầu cứu phòng tham vấn học đường của trường.
Như em X. đến phòng tham vấn tâm lý năm em học lớp 11 với những triệu chứng tâm lý rất nghiêm trọng (uể oải, trầm buồn, không chút sức sống). Đặc biệt, em đã hành hạ bản thân bằng việc thường xuyên cắt tay.
Em cắt nhiều đến mức cả cánh tay chi chít những vết cắt mới và chằng chịt sẹo. Thậm chí, có vài lần, sau khi cắt tay xong, em đã đi lang thang trên sân thượng và nhà trường phải có giám thị giám sát.
Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”. Theo đó, trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường sẽ kịp thời can thiệp giúp học sinh có thể “chữa lành” những thương tổn, hẫng hụt tâm lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em tốt hơn”.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
Đỉnh điểm là trong lễ hội Halloween năm học lớp 11 khi các bạn cải trang bằng đồ giả thì cô học trò lại cải trang bằng đồ thật, trên người toàn dao kiếm thật nên nhà trường đã phải cho em về, không thể ở trường với những "vũ khí" này.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
Tìm hiểu thì được biết em lớn lên trong hoàn cảnh gia đình rất phức tạp. Bố mẹ không hạnh phúc. Chứng kiến những mâu thuẫn nặng nề của bố mẹ khiến em trầm cảm. Nhân viên phòng tham vấn đã gọi điện cho mẹ của em để cùng hỗ trợ em thoát khỏi những vấn đề tâm lý em đang gặp phải.
Sau một thời gian dài đồng hành, gỡ từng nút thắt, cùng với sự phối hợp của cả bố và mẹ, bạn cùng lớp, em X đã bình thường trở lại và hiện đã là sinh viên đại học.
Hay em H (lớp 10), khi mới vào trường đã không kết nối được với bạn bè cùng lớp. H rất lo lắng, stress khi đến trường, dẫn đến kết quả học tập giảm sút. H không biết làm thế nào khi mỗi ngày đến trường em đều cảm thấy mình bị bỏ rơi, là người thừa.
H đã tìm đến phòng tham vấn học đường của nhà trường. Ở đây H đã được nhà tham vấn hỗ trợ khám phá các giá trị của bản thân, kĩ năng kết nối và xây dựng mối quan hệ. Sau đó, H đã bắt chuyện được với một số bạn, giải tỏa được cảm xúc và cảm thấy tập trung hơn khi nghe giảng trên lớp.
Một người mẹ của nữ sinh lớp 8 đã rất bối rối, lo lắng khi biết con gái mình có tình cảm với bạn đồng giới. Đọc được những tin nhắn mà con gái gửi cho người bạn ấy, người mẹ đã run lên vì lo sợ.
Suốt bao đêm, chị trằn trọc, không có giấc ngủ ngon vì nghĩ đến tương lai của con. Chị đã tìm đến chuyên gia tâm lý để xin tư vấn. Chị cũng nghĩ đến việc xin chuyển trường để tách con khỏi người bạn gái.
Sau một thời gian bế tắc không biết làm thế nào thì chị nhận được điện thoại của chuyên gia tham vấn học đường. Thì ra, trước phản ứng có chút gay gắt của mẹ, con gái chị đã "gõ cửa" phòng tham vấn học đường của trường.
Cùng với sự đồng hành của chuyên gia tham vấn, không lâu sau, con gái chị nhận ra tình cảm đồng giới của mình là ngộ nhận. Trong thời gian con bị tai nạn, chính sự quan tâm quá mức của người bạn gái ấy khiến con lầm tưởng là… yêu. Người mẹ này kể về phòng tham vấn của nhà trường với sự biết ơn.
Hay với trường hợp của Q, một nam sinh lớp 12. Là học sinh giỏi toàn diện, Q. từng được bạn bè ngưỡng mộ vì thành tích học tập xuất sắc và tính cách hòa đồng. Thế nhưng, khi bước vào năm cuối cấp, Q. thay đổi hoàn toàn. Em trở nên trầm lặng, thường xuyên né tránh các buổi học nhóm và lơ là trong việc chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Một ngày nọ, Q. bất ngờ tìm đến phòng tư vấn tâm lý sau khi không thể chịu đựng thêm áp lực từ gia đình. Bố mẹ Q. kỳ vọng em sẽ thi đỗ vào một trường đại học danh giá và thường xuyên nhắc nhở em về những "thành công" của anh chị em họ.
Điều này khiến Q. cảm thấy mình như một "kẻ thất bại" mỗi khi điểm số không như mong muốn.
Gặp chuyên gia tham vấn, Q đã bật khóc và nói: "Em cảm giác mình sống chỉ để làm hài lòng người khác. Em sợ rằng nếu em không đỗ đại học, em sẽ trở thành nỗi thất vọng của cả gia đình".
Qua nhiều buổi tư vấn, chuyên gia tham vấn đã giúp Q. nhận ra giá trị bản thân không chỉ dựa vào thành tích học tập. Q dần học cách đối thoại với bố mẹ về áp lực của bản thân.
Chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang
Tư vấn tâm lý trong trường học còn nhiều hạn chế
Chuyên gia tham vấn học đường không chỉ là người lắng nghe mà còn là người đồng hành, giúp học sinh giải tỏa cảm xúc, tìm lại cân bằng và vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Theo chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang, tư vấn học đường rất quan trọng đối với sự phát triển của học sinh bởi không chỉ giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong học tập, tâm lý, và mối quan hệ mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân.
"Trong giai đoạn tuổi dậy thì, học sinh thường đối mặt với căng thẳng từ học tập, áp lực gia đình, và mối quan hệ bạn bè. Tư vấn giúp các em giảm lo âu, nâng cao lòng tự trọng và quản lý cảm xúc hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc tư vấn giúp học sinh khám phá bản thân, hiểu được sở thích và thế mạnh của mình, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp với nghề nghiệp và cuộc sống. Đặc biệt, vai trò của tư vấn còn ở việc phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề như bạo lực học đường, bắt nạt, và trầm cảm, giúp học sinh tránh được những hậu quả nghiêm trọng", chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang chia sẻ.
Các chuyên gia tham vấn học đường rất cần có trong trường phổ thông là khẳng định của thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM).
Do kinh nghiệm sống và khả năng tự giải quyết vấn đề còn hạn chế, học sinh thường gặp khó khăn trong việc xử lý những áp lực hoặc vấn đề cá nhân. Trong khi đó, nhà trường và phụ huynh - hai môi trường giáo dục chính - đôi khi không thể giải quyết triệt để những vấn đề hoặc các em ngại chia sẻ.
Một số phụ huynh, giáo viên và học sinh chưa đánh giá đúng mức vai trò của tư vấn học đường. Nhiều người vẫn coi đây là dịch vụ phụ hoặc chỉ cần khi có vấn đề nghiêm trọng.
Chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang
Chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang cho biết, các trường phổ thông đã bắt đầu quan tâm đến tư vấn học đường. Một số trường tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm lý, kỹ năng sống và kỹ năng học tập cho học sinh.
Một số trường tiên tiến hoặc tư thục đã đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ tư vấn, giúp học sinh tiếp cận các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mức độ đầu tư và hiệu quả ở các trường phổ thông chưa thực sự đồng đều, còn tồn tại nhiều hạn chế.
"Nhiều trường chỉ bố trí giáo viên kiêm nhiệm thay vì chuyên gia tư vấn được đào tạo bài bản. Các chuyên gia tư vấn thường phải làm việc với quá nhiều học sinh, dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân.
Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có phòng tư vấn riêng hoặc chỉ có không gian nhỏ, thiếu tính riêng tư, không tạo được sự an toàn để học sinh thoải mái chia sẻ. Ngoài ra còn là hạn chế về ngân sách. Các trường công lập thường gặp khó khăn trong việc đầu tư cho các hoạt động tư vấn vì thiếu kinh phí.
Điều này dẫn đến việc tổ chức các chương trình hỗ trợ tâm lý còn hạn chế và thiếu tính lâu dài. Cần có sự đầu tư hơn về nhân sự, cơ sở vật chất và các chương trình dài hạn để giúp học sinh phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn cảm xúc.
Sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và xã hội là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả của tư vấn học đường" - chuyên gia tham vấn Đỗ Thị Trang phân tích.
N.Minh - Phạm Thương
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nghet-tho-dong-hanh-cung-hoc-sinh-tuoi-day-thi-20241224154001074.htm