Nghị định 163 - công cụ tránh 'thổi phồng' thuốc chữa bệnh

Nghị định 163 - công cụ tránh 'thổi phồng' thuốc chữa bệnh
7 giờ trướcBài gốc
Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2025 hướng dẫn Luật Dược, có hiệu lực từ tháng 7/2025. Tại Chương III của Nghị định này cho thấy, Chính phủ đã có quy định rất chặt chẽ để tránh tình trạng quảng cáo "thổi phồng" về thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, Điều 103 quy định, nội dung quảng cáo thuốc phải ghi chú thích rõ ràng tài liệu chứng minh đồng thời phải chỉ rõ phần thông tin được trích dẫn trong tài liệu chứng minh. Việc trích dẫn phải đảm bảo truyền đạt chính xác thông tin, không suy diễn hoặc cắt xén thông tin theo hướng gây hiểu sai về tính an toàn, hiệu quả của thuốc.
Nội dung quảng cáo thể hiện qua bản ghi âm, ghi hình có nhiều trang hoặc phân cảnh quảng cáo, các trang hoặc phân cảnh quảng cáo phải xuất hiện liên tiếp, dừng đủ thời gian để người xem có thể đọc được hết các thông tin thể hiện. Trang, phân cảnh có nội dung thông tin sản phẩm phải đứng yên, không chuyển động để người đọc tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm,…
Các cụm từ như: Dứt điểm, không lo, khỏi 100%... từ nay sẽ bị cấm quảng cáo.
Điều 104 quy định về các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáothuốc gồm: Các thông tin, hình ảnh bị cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Luật Quảng cáo; các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc.
Bên cạnh đó, các nội dung tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định; thuốc không có tác dụng không mong muốn; thuốc không có tác dụng có hại,… đều sẽ bị cấm.
Ngoài ra, các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu nhầm là tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc hoặc vượt quá tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt.
Các từ, cụm từ: điều trị tận gốc, tiệt trừ, chuyên trị, hàng đầu, đầu bảng, đầu tay, chất lượng cao, đảm bảo 100%, an toàn, dứt, cắt đứt, chặn đứng, giảm ngay. giảm tức thì, khỏi ngay, khỏi hẳn, yên tâm, không lo, khuyên dùng, hotline và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự đều sẽ bị cấm sử dụng trong quả cáo thuốc từ 7/2025.
Nghị định cũng nêu rõ các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc như: Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong; chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục; chỉ định điều trị chứng mất ngủ; chỉ định mang tính kích dục; chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; chỉ định điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy;….
Các kết quả về: Kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng; kết quả nghiên cứu lâm sàng hoặc kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận cũng đều không được quảng cáo.
Nghị định cũng cấm hành vi sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo thuốc; lợi dụng xuất xứ của thuốc, nguyên liệu làm thuốc để quảng cáo thuốc; hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế; hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc và các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận…
Đặng Ngọc Thủy
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nghi-dinh-163-cong-cu-tranh-thoi-phong-thuoc-chua-benh-204250708143820462.htm