Nghị định 168/2024 có hiệu lực sau 6 ngày ban hành, luật quy định ra sao?

Nghị định 168/2024 có hiệu lực sau 6 ngày ban hành, luật quy định ra sao?
4 giờ trướcBài gốc
Những ngày gần đây, việc áp dụng Nghị định 168/2024 quy định xử phạt VPHC về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe là một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm.
Lý do là bởi mức phạt với nhiều hành vi quy định tại Nghị định 168 tăng cao gấp nhiều lần so với Nghị định 100/2019 (đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) trước đó.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều người thắc mắc, thậm chí tranh cãi liên quan đến việc Nghị định 168/2024 chỉ mới ký ban hành ngày 26-12-2024 nhưng chỉ 5-6 ngày sau đã bắt đầu có hiệu lực (ngày 1-1-2025) là đúng hay sai quy định.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về thời điểm có hiệu lực của một Nghị định?
Dòng xe dừng chờ đèn đỏ trên đường sau ngày Nghị định 168 có hiệu lực. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hiện nay, Nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020).
Luật này cũng dành 1 mục để quy định về trình tự xây dựng, ban hành một nghị định như các bước: Đề nghị xây dựng, lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng, lập hồ sơ, thẩm định đề nghị, soạn thảo, lấy ý kiến dự thảo...
Tuy nhiên, khác với quy trình thông thường, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Luật quy định 5 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thứ nhất, trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Thứ hai, trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thứ tư, trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Về vấn đề hiệu lực thì tương ứng với 2 quy trình thông thường và rút gọn cũng có quy định về thời điểm có hiệu lực khác nhau.
Đối với nghị định ban hành theo trình tự, thủ tục thông thường, theo Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi năm 2020) thì thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần Nghị định sẽ được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Tuy nhiên, đối với Nghị định được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng...
Với Nghị định 168/2024, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Cục CSGT cho biết trong quá trình soạn thảo nghị định 168 để thay thế nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung nghị định 123/2021), do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã có những cuộc họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn.
Như vậy, đối với trường hợp Nghị định được ban hành theo thủ tục rút gọn thì hoàn toàn có thể có hiệu lực kể ngày khi ký ban hành hoặc sau đó một vài ngày mà không cần chờ sau 45 ngày.
Như vậy, thông tin cho rằng Nghị định 168 có hiệu lực sớm sai quy định là không chính xác.
Theo Quyết định 163/QĐ-TTg ngày 6-2-2024, để thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc về việc công nhận lẫn nhau giấy phép lái xe quốc tế, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sửa đổi Nghị định 100/2019 trong năm 2024.
Ngoài ra, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (được thông qua ngày 27-6-2024 và có hiệu lực từ 1-1-2025) cũng có nhiều quy định mới đáng chú ý, trong đó lần đầu quy định về việc trừ điểm giấy phép lái xe.
QUỲNH LINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/nghi-dinh-1682024-co-hieu-luc-sau-6-ngay-ban-hanh-luat-quy-dinh-ra-sao-post829711.html