Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang biến động mạnh, đặc biệt là với sự gia tăng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam – từ điện tử, máy tính đến bán dẫn thì yêu cầu về một khung pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược trở nên cấp bách. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các đối tác lớn yên tâm khi mở rộng hợp tác chuyển giao công nghệ, đầu tư quy mô lớn, và thực hiện các thỏa thuận thương mại mang tính chất dài hạn.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược.
Dự thảo Nghị định là một bước ngoặt quan trọng trong việc kiểm soát thương mại chiến lược, nhằm quản lý hàng hóa lưỡng dụng, công nghệ nhạy cảm và các sản phẩm ảnh hưởng đến an ninh – quốc phòng. Bên cạnh việc bảo vệ lợi ích quốc gia, Nghị định còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc nội địa hóa các quy tắc thương mại minh bạch, công bằng theo các hiệp định quốc tế đã ký kết. Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng việc ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Việc công bố rộng rãi dự thảo không chỉ đảm bảo tính công khai, minh bạch mà còn thể hiện sự tham vấn ý kiến từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang phát triển ban hành khung pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược ở cấp nghị định, ngang tầm với nhiều nền kinh tế tiên tiến. Chủ động điều chỉnh thể chế cũng là cách Việt Nam khẳng định rằng các chính sách của mình không chịu sức ép từ bất kỳ quốc gia nào, mà xuất phát từ mục tiêu đảm bảo sự ổn định lâu dài của hệ sinh thái thương mại toàn cầu, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Nguyên tắc quản lý hàng hóa lưỡng dụng
Dự thảo Nghị định này quy định việc quản lý xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Nghị định này không áp dụng đối với việc xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Theo dự thảo, thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa lưỡng dụng và phê duyệt khai báo hàng hóa lưỡng dụng quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
Thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa lưỡng dụng và phê duyệt khai báo hàng hóa lưỡng dụng được quy định cụ thể như sau:
Bộ Khoa học và Công nghệ: Hạt nhân và vật liệu đặc biệt; vật liệu điện tử; điện tử; máy vi tính; viễn thông, cảm biến và laser.
Bộ Xây dựng: Hàng không; hàng hải; hàng không vũ trụ.
Bộ Y tế: Vật phẩm sinh hóa.
Bộ Công Thương: Kim loại; hóa chất.
Các Bộ theo phân công trên, trao đổi thống nhất với các Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao ban hành Danh mục chi tiết hàng hóa lưỡng dụng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ kèm theo mã hàng và đặc điểm kỹ thuật, công nghệ của hàng hóa.
Nghị định quy định, hàng hóa lưỡng dụng ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này phải thực hiện quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngoại thương, thương mại, pháp luật chuyên ngành, pháp luật thuế, hải quan, pháp luật khác.
Nguyên tắc quản lý hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất hàng hóa lưỡng dụ
Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, thương nhân chỉ được thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển sau khi thực hiện khai báo và được Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý xác nhận trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia theo quy định.
Trường hợp thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển đã được phê duyệt đáp ứng quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ theo quy định tại Chương IV Nghị định này:
Thương nhân thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển theo quy định hiện hành, không phải thực hiện khai báo theo quy định tại Khoản 1 nêu trên.
Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định hiện hành, khi làm thủ tục hải quan, thương nhân cung cấp bổ sung 1 Bản cam kết về việc hàng hóa không được sử dụng cho mục đích sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt (bản chính).
Hồ sơ, quy trình khai báo và xác nhận khai báo
Thương nhân thực hiện khai báo trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia theo địa chỉ: www.vnsw.gov.vn. Quy trình khai báo về hàng hóa lưỡng dụng thực hiện theo từng lô hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu.
Hồ sơ khai báo về hàng hóa lưỡng dụng gồm: Thông tin khai báo về hàng hóa lưỡng dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục II Nghị định này: bao gồm các thông tin tổ chức, cá nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu, các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu (số lượng, mô tả, mã hàng, đặc điểm kỹ thuật..., mục đích sử dụng), người sử dụng cuối cùng, tuyến vận chuyển,…).
Đính kèm các chứng từ có liên quan đến lô hàng lưỡng dụng: hợp đồng xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành (nếu có).
Quy trình xác nhận khai báo hàng hóa lưỡng dụng:
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khai báo về hàng hóa lưỡng dụng của thương nhân, Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý theo phân công có trách nhiệm gửi phản hồi xác nhận khai báo tới thương nhân và nêu rõ lý do.
Thông tin phản hồi xác nhận khai báo của Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, có giá trị pháp lý để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh, trung chuyển.
Diệu Anh