Nghị định số 168 - vì lợi ích toàn xã hội và hạnh phúc người dân

Nghị định số 168 - vì lợi ích toàn xã hội và hạnh phúc người dân
12 giờ trướcBài gốc
Vì quyền, lợi ích đa số người dân, trật tự chung của xã hội
Những ngày đầu năm mới 2025, dư luận cử tri và Nhân dân bàn tán nhiều về những quy định mới liên quan đến tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB); trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành ngày 1.1.2025. Bên cạnh đa số ý kiến đồng tình với việc siết chặt kỷ cương, pháp luật về an toàn giao thông nói chung, an toàn GTĐB nói riêng; còn một số ý kiến trái chiều, tạo dư luận chưa tốt như: tại sao chưa tuyên truyền sâu rộng đã phạt; sao phạt nặng thế; tính nghiêm khắc của pháp luật và tính hà khắc sao mong manh thế; liệu có giám sát, khắc phục được tình trạng tiêu cực, mãi lộ của lực lượng thực thi pháp luật và người vi phạm khi tăng mức tiền phạt hay không...
Từ khi Nghị định số 168 có hiệu lực, ý thức chấp hành trật tự, an toàn giao thông của người dân nâng cao
Đó là những băn khoăn, phản ứng thường thấy khi một chính sách mới ra đời nhằm điều chỉnh các hành vi của cá nhân, tổ chức và có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của đối tượng bị pháp luật điều chỉnh. Chúng ta cần bình tĩnh nhận thức rõ vấn đề, vì quyền và lợi ích đa số người dân và trật tự chung của xã hội, từ đó, có hành động đúng, không để bị kẻ xấu lợi dụng, dù chỉ là vô tình.
Trước hết, Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, mọi chính sách thể hiện bằng pháp luật đều vì dân, vì quyền con người và quý giá nhất là sinh mạng của mỗi người dân. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Khẳng định, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân không có lợi ích nào khác.
Thứ hai, tính nghiêm minh của pháp luật nói chung, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng nhằm điều chỉnh nghiêm khắc các hành vi giao thông theo đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, vì lợi ích cộng đồng, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Nó đối lập hoàn toàn quan niệm “hà khắc” vì lợi ích nhóm hay lợi ích của giai cấp thống trị không vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Trong thực tế, có thể do nhiều nguyên nhân về hạ tầng giao thông yếu kém cộng với sự bất lực của chế tài trước ý thức và thói quen của người tham gia giao thông, khiến cho giao thông nhiều nơi, nhất là ở đô thị đông dân cư trở nên hỗn loạn, phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ quy định, mạnh ai nấy chạy, chỗ nào còn trống thì chen vô, những vỉa hè, làn đường có biển báo, vạch tín hiệu giao thông được quy định rất rõ ràng nhưng mấy ai tuân thủ; phạm trù luật pháp, văn hóa giao thông chỉ là trên giấy... Nhiều người ở nông thôn khi ra đường, đến thành thị hay người ngoại quốc khi tới Việt Nam bày tỏ từ ngạc nhiên đến sợ hãi, với các biệt từ giao thông kiểu đàn kiến, đàn bò... Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì không thể xây dựng một xã hội trật tự, văn minh để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được.
Thứ ba, không thể nói rằng cơ quan chức năng chưa tuyên truyền sâu rộng đã vội xử lý, xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông theo Nghị định 168. Ngược lại, thời gian dài vừa qua, công tác tuyên truyền được ngành chức năng và cả hệ thống chính trị tiến hành khá đồng bộ, hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong cử tri, Nhân dân và toàn xã hội. Việc ban hành Luật và các văn bản quy phạm dưới luật ở nước ta đều tuân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và được giám sát chặt chẽ. Công tác đưa pháp luật về an toàn GTĐB vào cuộc sống cũng được triển khai có kế hoạch phù hợp với văn hóa và khoa học quản lý; đặc biệt coi trọng biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là yếu tố hàng đầu; sau đó mới áp dụng các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế để điều chỉnh hành vi buộc đối tượng vi phạm chấp hành các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Còn nhớ trước đây khi có quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy cũng có nhiều ý kiến khác nhau, dần dần, người dân nhận thức được lợi ích và tự giác tuân theo, lên tiếng phê phán và nhắc nhở nhau vì lợi ích của chính mình và mọi người.
Gíam sát chặt, xử lý nghiêm, thông tin minh bạch
Chúng tôi từng là những chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận cảm thấy vô cùng đau xót khi mỗi trận đánh hay mỗi một chiến dịch có một tiểu đội, một trung đội, đại đội chiến sĩ ta hy sinh... Nhưng cũng không ai có thể tưởng tượng, cầm lòng được khi mỗi năm, số người bị chết vì tai nạn giao thông tương đương 1 sư đoàn (hơn 10 nghìn người) và hơn 1 sư đoàn khác bị thương, để lại nỗi đau mất đi người thân yêu và hậu quả nặng nề cho các gia đình, xã hội.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, từ năm 2009 đến năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 406.688 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 138.784 người, bị thương 386.002 người, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng gần 10.000 người. Riêng năm 2024, theo thống kê từ Ban ATGT quốc gia, toàn quốc đã xảy ra hơn 21.000 vụ tai nạn giao thông khiến gần 10.000 người chết và hơn 16.000 người bị thương. Rõ ràng, không một nhà lãnh đạo, một nhà quản trị quốc gia nào - với lòng trắc ẩn đồng loại và tình yêu thương đối với dân tộc mình - có thể ngồi yên mà không có những động thái quyết liệt về chính sách để chặn đứng tình trạng khủng khiếp trên đây.
Dư luận cử tri và Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ việc ban hành và thi hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giảm thương vong và thiệt hại tài sản của dân, của Nhà nước; kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ các kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường chiến lược, kết nối vùng tỉnh, vùng quốc gia, những điểm “đen” thường xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông... Đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm, thông tin minh bạch các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cả lực lượng lợi dụng thực thi pháp luật và người đưa hối lộ, mãi lộ, nhằm hun đúc lòng tin của Nhân dân đối với Nghị định số 168.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nghi-dinh-so-168-vi-loi-ich-toan-xa-hoi-va-hanh-phuc-nguoi-dan-post402265.html