Nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đừng bỏ lỡ những điểm check-in đậm dấu ấn lịch sử giữa lòng Hà Nội

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đừng bỏ lỡ những điểm check-in đậm dấu ấn lịch sử giữa lòng Hà Nội
5 giờ trướcBài gốc
Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi thời gian dệt nên bức tranh giao thoa giữa nét cổ kính đầy mê hoặc và nhịp sống hiện đại sôi động, luôn là điểm đến khơi dậy cảm xúc mỗi dịp lễ 30/4 – 1/5.
Hà Nội - điểm đến yêu thích của du khách trong nước và nước ngoài, bởi những di tích lịch sử quan trọng, những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, đầy thi vị. Hà Nội là sự kết hợp văn hóa giữa xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại, đủ cho du khách khám phá một Hà Nội vừa bình dị nhưng cũng sống động, đầy màu sắc.
Dịp nghỉ lễ 5 ngày này, hãy để Hà Nội dẫn lối du khách qua những di tích lưu giữ tinh thần bất khuất, những con phố thấm đẫm hồn Thủ đô và những khoảnh khắc đáng nhớ bên dòng sông Hồng thơ mộng.
Quảng trường Ba Đình – Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 2 Hùng Vương, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là trái tim lịch sử của Hà Nội. Lăng Bác, với kiến trúc trang nghiêm bằng đá granite và hoa cương, là biểu tượng của lòng biết ơn sâu sắc mà nhân dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại.
Không chỉ là nơi linh thiêng, Lăng Bác còn là điểm check-in mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Nằm tại trung tâm khu vực Ba Đình, đây là điểm khởi đầu hoàn hảo để bạn cảm nhận hơi thở lịch sử và niềm tự hào dân tộc.
Du khách và người dân có thể đến sớm để chứng kiến lễ Thượng cờ lúc 6:00 (mùa hè) hoặc 6:30 (mùa đông), khi đội tiêu binh 34 người thực hiện nghi thức trang nghiêm – một khoảnh khắc lý tưởng để chụp những bức ảnh đầy cảm xúc.
Những ngày lễ đặc biệt, người dân và du khách có cơ hội vào viếng Lăng Bác để cảm nhận không gian linh thiêng và tìm hiểu về cuộc đời Bác tại Phủ Chủ tịch, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá.
Lăng Bác – biểu tượng thiêng liêng, nơi lưu giữ ký ức lịch sử của dân tộc
Nhà Quốc hội Việt Nam
Địa chỉ: 1 Đường Độc Lập, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Nhà Quốc hội Việt Nam là điểm nhấn hiện đại trong khu vực Ba Đình. Khánh thành năm 2014, công trình này là trung tâm quyền lực tối cao, nơi diễn ra các phiên họp quan trọng của Quốc hội. Lấy cảm hứng từ sự tích “bánh chưng, bánh dày” – biểu tượng “trời tròn, đất vuông” – Nhà Quốc hội kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và kiến trúc hiện đại, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi du khách.
Mặt tiền tòa nhà với phòng họp hình vương miện, nhìn ra Quảng trường Ba Đình, là góc chụp toàn cảnh đầy ấn tượng. Quảng trường trước Nhà Quốc hội, gần đường Độc Lập, mang đến những bức ảnh hiện đại, trang nghiêm. Nếu có cơ hội tham quan bên trong, không gian nội thất tinh tế với các họa tiết văn hóa dân tộc sẽ là góc chụp độc đáo, giàu ý nghĩa. Chụp ảnh từ xa để lấy toàn cảnh tòa nhà và không gian quảng trường, đặc biệt vào buổi chiều khi ánh sáng vàng dịu nhẹ.
Hoàng Thành Thăng Long
Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2010. Gắn liền với 13 thế kỷ lịch sử Việt Nam, từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc đến thời Nguyễn, nơi đây từng là trung tâm chính trị, văn hóa của các triều đại. Những công trình như Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Cửa Bắc và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu là minh chứng sống động cho hành trình dựng nước và giữ nước, khiến mỗi du khách không khỏi tự hào.
Những ngày nghỉ lễ này, hãy dành thời gian khám phá khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu để chiêm ngưỡng các tầng văn hóa từ thời Lý đến Nguyễn. Tham quan vào buổi sáng để tránh nắng và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Mặc áo dài hoặc cổ phục để có bộ ảnh đậm chất Hà Nội, hòa quyện với không gian lịch sử.
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Địa chỉ: Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Mở cửa từ đầu tháng 11/2024, với thời gian tham quan không gian từ 8h đến 16h30 các ngày trong tuần, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng tiến hành xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.000 m2 để lưu giữ hơn 150.000 hiện vật có giá trị về lịch sử quân sự của Việt Nam, nhằm giúp du khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy tự hào của quân và dân ta.
Ngay khi bước vào cổng bảo tàng, du khách và người dân có thể chiêm ngưỡng tháp Chiến Thắng cao 45m, đại diện cho năm 1945 Việt Nam giành được độc lập. Phía trước là tòa nhà trung tâm, bên trái là những trang bị vũ khí mà quân đội và nhân dân Việt Nam sử dụng trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Còn bên phải là những vũ khí mà quân đội và nhân dân Việt Nam thu được trong các cuộc chiến chống thực dân và đế quốc cứu nước.
Hiện tại bảo tàng mới mở tham quan tầng 1 với không gian trưng bày hàng nghìn hiện vật được sắp xếp hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như sa bàn mapping, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh và mã QR tra cứu thông tin hiện vật… giới thiệu các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử để phản ánh toàn diện lịch sự đấu tranh giữ nước của dân tộc, mang đến cho công chúng tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.
Đặc biệt, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là nơi trưng bày 4 bảo vật Quốc gia là 2 máy bay MIG-21 số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 là một trong những xe tăng đầu tiên húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngoài ra, nơi đây còn tái hiện không gian lịch sử để người tham quan có thể hiểu rõ hơn về quá trình chiến đấu bảo vệ đất nước của quân đội và nhân dân Việt Nam như đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử con đường huyền thoại, khung cảnh 60 ngày đêm quân và dân Hà Nội bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946, trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng đất nước giành độc lập...
Nhà tù Hỏa Lò
Địa chỉ: 1 Phố Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà tù Hỏa Lò là chứng tích lịch sử đầy cảm xúc. Xây dựng năm 1896 bởi thực dân Pháp trên mảnh đất vốn là làng nghề gốm Phụ Khánh, nhà tù từng giam giữ hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, từ Phan Bội Châu, Hồ Tùng Mậu đến các Tổng Bí thư như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn. Dù chịu cảnh đày ải khắc nghiệt, các chiến sĩ đã biến nhà tù thành “trường học cách mạng”, nơi truyền bá lý luận và mưu trí vượt ngục. Nhà tù Hỏa Lò là minh chứng cho tội ác của thực dân, đồng thời là biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Nhà tù Hỏa Lò – chứng tích lịch sử, nơi khắc ghi tinh thần bất khuất
Phòng giam với cùm sắt, máy chém và các bức tường cũ kỹ tái hiện không gian lịch sử đầy cảm xúc, phù hợp cho những bức ảnh mang tính kể chuyện. Khu trưng bày tranh, tượng về các chiến sĩ cách mạng là góc chụp nghệ thuật đầy ấn tượng. Cổng chính gần khu phố cổ mang đến những bức ảnh kết hợp với không gian phố Hà Nội nhộn nhịp. Các hiện vật như tài liệu, thư tay, và đồ dùng của các chiến sĩ cũng là những điểm nhấn để du khách ghi lại những bức ảnh giàu ý nghĩa.
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian khám phá khu vực tái hiện cuộc sống trong tù, nơi bạn có thể cảm nhận rõ hơn về sự khắc nghiệt và ý chí mạnh mẽ của các chiến sĩ cách mạng. Sau khi tham quan, du khách có thể dạo bộ qua các con phố cổ gần đó để cảm nhận sự chuyển mình từ lịch sử sang nhịp sống hiện đại.
PV
Nguồn Tiêu Dùng : https://tieudung.giadinhonline.vn/nghi-le-30-4--1-5-dung-bo-lo-nhung-diem-check-in-dam-dau-an-lich-su-giua-long-ha-noi-d10578.html