Nghị lực của cô gái Khmer đỗ thủ khoa thạc sĩ Luật

Nghị lực của cô gái Khmer đỗ thủ khoa thạc sĩ Luật
4 giờ trướcBài gốc
Chị Trịnh Thị Mỹ Lệ vừa là diễn viên múa, vừa là biên đạo các điệu múa về văn hóa dân tộc Khmer
Quên hết mệt mỏi khi được hòa mình vào những điệu múa Khmer
Nếu có dịp tham dự lễ hội văn hóa các dân tộc ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn dễ bắt gặp hình ảnh cô gái Khmer Trịnh Thị Mỹ Lệ (SN 1992) đầy tự tin, uyển chuyển, duyên dáng nổi bật trong đội múa về văn hóa dân tộc Khmer.
"Vào mỗi dịp sinh hoạt lễ, Tết, người Khmer chúng tôi không thể thiếu các điệu múa. Tôi vừa là diễn viên múa, vừa là biên đạo múa cho chương trình nên phải thể hiện được thần thái và từng nét độc đáo của văn hóa người Khmer trong mỗi điệu múa. Cứ khi giai điệu âm nhạc mang đậm nét văn hóa Khmer vang lên, tôi dường như đã hòa mình trong đó, chỉ biết say mê cống hiến hết mình để ghi dấu ấn đặc sắc nhất đến người xem" - chị Lệ tự hào nói.
Chị Trịnh Thị Mỹ Lệ (bìa phải) - Chi hội phó Chi hội Văn học nghệ thuật Khmer, Hội Văn học nghệ thuật TPHCM
Những ngày cuối năm, lịch làm việc, sinh hoạt cộng đồng của chị dường như đan kín. Chị bảo: "Tôi thường về đến nhà trọ lúc 22 giờ đêm. Vệ sinh cá nhân xong, tôi chỉ muốn ngủ 1 giấc thật ngon để ngày mai có đủ năng lượng đón ngày mới bận rộn nhưng đầy ý nghĩa".
Với vai trò là Phó Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, Chi hội phó Chi hội Văn học nghệ thuật Khmer, ngoài giờ làm việc hành chính, chị nhận phiên dịch, biên dịch tiếng Khmer và là giáo viên dạy tiếng Khmer.
"Sau giờ làm hành chính, tôi dạy tiếng Khmer ở Trung tâm ngoại ngữ (do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành lập) vào các buổi tối, từ năm 2018 đến nay. Còn thời gian rảnh rỗi, tôi nhận dạy kèm tiếng Khmer tại nhà cho con em người Khmer đang sinh sống và làm việc tại thành phố" - chị Lệ kể.
Nghĩ đến không khí lớp học có cả người lớn, trẻ em muốn học tiếng dân tộc Khmer, chị Lệ lại quên hết mệt mỏi
"Cũng có ngày tôi thấy mệt, muốn được nghỉ ngơi. Nhưng nghĩ đến không khí lớp học có cả người lớn, trẻ em, thậm chí cả người nước bạn Campuchia muốn học tiếng dân tộc Khmer đang chờ mình, tôi lại cố gắng. Hay khi được hòa mình vào tiếng nhạc rộn ràng, những giai điệu thân quen trong những điệu múa Khmer để chuẩn bị cho các đợt biểu diễn văn hóa sắp diễn ra, tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần phấn chấn, quên hết mệt mỏi" - chị Lệ hào hứng chia sẻ.
Làm nhiều công việc để kiếm tiền đi học
Trịnh Thị Mỹ Lệ sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh,trong một gia đình nông dân 3 đời đều mù chữ. Ba mẹ chị chạy chợ, làm thuê đủ thứ nghề để nuôi 3 chị em Lệ khôn lớn. Lệ chia sẻ: "Ba mẹ tôi làm thuê tối ngày nhưng cả nhà chỉ đủ ăn. Nhiều năm liền, nhà tôi không có tiện nghi gì đáng giá. Là chị cả, sau tôi còn 2 em (1 trai và 1 gái), tôi chỉ biết nỗ lực học hành làm gương cho 2 em, động viên các em vào đại học để sau này có việc làm ổn định, mong thoát khỏi cuộc sống khổ cực như ba mẹ".
Là chị cả, chị Mỹ Lệ nỗ lực học hành làm gương cho 2 em để mong thoát khỏi cuộc sống khổ cực như ba mẹ
Năm ấy, Lệ đang học năm nhất, ngành văn hóa ở Đại học Trà Vinh, chị được gọi vào Đại học Luật ở thành phố Hồ Chí Minh. Thấy con gái quyết định đi học xa nhà, ba mẹ chỉ dặn dò: "Con muốn lên Sài Gòn học, ba mẹ không cản, nhưng con cần nhớ "đói cho sạch, rách cho thơm", không làm điều gì sai trái, sa ngã để hại bản thân và tương lai của chính mình. Nếu khó khăn quá, cứ quay về với ba mẹ là được".
Tạm biệt quê nhà lên Sài Gòn nhộn nhịp, xa lạ, những ngày đầu, Lệ không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn để hòa nhập ở thành phố đắt đỏ, sôi động. Vì muốn phụ giúp ba mẹ nuôi 2 em đang học ở quê nhà, Lệ đi làm thêm để tự trang trải chi phí ăn học ở mảnh đất Sài thành. "Ngoài giờ đi học, tôi đi làm thêm phục vụ nhà hàng, rửa chén bát thuê, đi bán đồ thuê... Cũng có lúc tôi đi làm công quả ở nhà chùa. Ở đó không có chi phí nhưng ít nhất cũng có cái ăn qua ngày" - Lệ nghẹn ngào nhớ lại.
"Song, khó khăn nhất của tôi là vấn đề học ngoại ngữ. Tôi có thể cố gắng học tốt tất cả các môn khác nhưng môn tiếng Anh vẫn là thách thức quá lớn với người dân tộc thiểu số Khmer như tôi" - chị Lệ kể.
Trịnh Thị Mỹ Lệ tham gia giới thiệu văn hóa dân tộc Khmer đến người dân
Ngày tốt nghiệp cử nhân Luật hành chính năm ấy, cả lớp được ra trường nhưng Lệ bị treo bằng đại học do chưa đủ điểm môn tiếng Anh. Trong sự tiếc nuối còn có cả bất lực, tủi phận ùa về, chị bảo: "Tôi tự thấy không thể dừng lại, phải tiếp tục học văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh để trả nợ trường, đồng thời học thêm cao học ngành luật".
Có điều, trước đây học đại học, chị đã khó khăn về kinh tế. Nếu học cả 2 bằng thì khó khăn càng nhân lên. "Có thời điểm, tôi làm thêm đủ việc vẫn không đủ tiền đóng học. Tôi nhớ ba mẹ, định quay về tìm lại bình yên ở quê nhà, từ bỏ ước mơ. Rất may, có chị trong lớp biết chuyện đã cho tôi vay tiền đóng học…" - Lệ nghẹn ngào nhớ lại chặng đường khó khăn, nặng nề nhất.
Cô gái Khmer lúc ấy vừa bé nhỏ nhất lớp, vừa không có kinh nghiệm chuyên môn như các anh chị học chung lớp cao học. Nhưng bằng sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, năm 2020, chị trở thành thủ khoa đầu ra của chương trình thạc sĩ - ngành Luật hành chính. Cùng lúc, chị cũng tốt nghiệp loại giỏi ngành ngôn ngữ Anh trong sự tự hào, nể phục của thầy cô, bạn bè.
Người thân, gia đình chúc mừng chị là thủ khoa của chương trình thạc sĩ ngành Luật hành chính và tốt nghiệp loại giỏi ngành ngôn ngữ tiếng Anh
"Hành trình để thực hiện ước mơ của ba, với tôi đúng như một giấc mơ, nhưng đó là giấc mơ có thật. Ngày tôi nhận tấm bằng thạc sĩ, ba mẹ tôi lần đầu đến thành phố Hồ Chí Minh với niềm tự hào vô bờ về con gái. Lúc này, ông bà mới biết mấy năm qua, tôi làm thuê các công việc để có thành công hôm nay. Họ cứ ôm chặt tôi rơi nước mắt và bảo: "Sao lúc khó khăn không nói với ba mẹ?" - Lệ rưng rưng kể.
Từ đam mê văn hóa, nghệ thuật của quê hương mình, Mỹ Lệ từng bước khẳng định tên tuổi và sự nghiệp chị đang theo đuổi ở thành phố mang tên Bác. Hàng năm, chị tích cực tham gia tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn phường, quận nơi chị sinh sống; tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer… Nhờ đó, giai đoạn 2021 - 2023, chị là 1 trong số 16 cá nhân được Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương điển hình tiên tiến.
Trong các hoạt động văn hóa dân tộc, chị được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh và các cấp quận, phường nhiều lần ghi nhận, khen thưởng.
Chị Trịnh Thị Mỹ Lệ (bên phải) là 1 trong số 16 cá nhân được Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương điển hình tiên tiến, giai đoạn 2021-2023
"Bây giờ tôi có thể mua quà Tết về biếu ba mẹ, 2 em và người thân ở quê, không phải lo lắng đến ngày trả tiền thuê trọ như trước. Nhiều bạn bè cùng tuổi ở quê tôi đều có gia đình riêng nhưng tôi thấy mình may mắn khi vẫn còn son rỗi. Tôi có thể dành toàn bộ sức trẻ và thời gian cống hiến cho công việc, góp phần truyền tải kiến thức văn hóa đã học được ngày càng rộng rãi hơn đến mọi người yêu văn hóa dân tộc Khmer" - gương mặt hiền, nụ cười trong sáng của người con gái Khmer chợt ánh lên khi nói đến đam mê còn dài ở phía trước.
Hải Linh - Ảnh: NVCC
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/co-gai-khmer-giup-ba-thuc-hien-uoc-mo-mong-con-co-quan-ao-dep-ngay-tet-20250110171741219.htm