Từ cô gái bị chế giễu là “người ngoài hành tinh”
Sinh năm 1976, Lê Thị Lan Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) là con cả trong gia đình có ba chị em. Trong khi hai em đều khỏe mạnh thì Lan Anh không may bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người bố từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế năm 1970-1972. Khi sinh ra, Lan Anh chỉ nặng hơn 1kg, mắc chứng cong vẹo cột sống nghiêm trọng, chân tay co quắp, dính chặt vào nhau.
Cô giáo “tí hon” Lê Thị Lan Anh. Ảnh: HẢI LY
Bố mẹ đi làm xa nhà, Lan Anh được bà nội nuôi dưỡng từ nhỏ. Hằng ngày, bà kiên trì xoa bóp, chườm ấm từng ngón tay, ngón chân cho cháu. Nhờ vậy, Lan Anh dần đứng vững, chân tay cũng duỗi ra và chỉ còn mắc chứng cong vẹo cột sống. Đến 6 tuổi, cô bé đã có thể đi học như bạn bè cùng trang lứa.
Ở lớp, vẻ ngoài khác biệt khiến cô gái nhỏ luôn là mục tiêu của những lời chế giễu và trêu chọc... “Lớp 4, tôi bị một người bạn gọi là đồ lai khỉ. Lúc đó, tôi chưa từng thấy khỉ bao giờ nhưng hiểu rằng nó ám chỉ sự xấu xí và kỳ lạ. Tôi tủi thân vô cùng, tự hỏi mình phải đến mức nào mà người ta lại buông ra những lời cay đắng ấy”, chị nhớ lại.
Biết mình thiệt thòi hơn so với các bạn, Lan Anh luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Lớp 4, cô bé được cử đi thi viết chữ đẹp, đến lớp 6 thì có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn. Càng lớn, Lan Anh càng ham học, nhưng rồi thử thách lại một lần nữa đến với cô gái ấy.
Say mê học tập, từng lập cả kế hoạch cho những năm cấp 3, nhưng vì lý do sức khỏe, cô bé khuyết tật ấy đành bỏ dở nhiều hoài bão. Ảnh: NVCC
15 tuổi, sức khỏe của Lan Anh bắt đầu giảm sút bất thường. Cô gái nhỏ thường xuyên sốt cao mà không rõ nguyên nhân, dù đã khám ở nhiều bệnh viện lớn. Bệnh tình kéo dài đến đầu năm lớp 9, sức khỏe kiệt quệ, Lan Anh phải gác lại ước mơ học hành.
“Thời điểm bệnh viện trả về, tôi từng nghĩ hay mình buông xuôi để không làm khổ bố mẹ nữa. Nhưng nhìn bố mẹ vất vả lo thuốc men, bà nội tuổi đã cao, vẫn chăm chút cho mình, tôi quyết tâm gắng gượng ăn uống”, Lan Anh nghẹn ngào.
Sau thời gian chiến đấu với bệnh tật, sức khỏe của chị dần ổn định. Giai đoạn “thập tử nhất sinh” qua đi, niềm khát khao học tập lại trỗi dậy trong chị.
Đến cô giáo “tí hon” 24 năm chèo đò chở con chữ
Trước đó, khi được theo dõi các chương trình dạy tiếng Anh, dù không hiểu, nhưng Lan Anh luôn chăm chú lắng nghe và bắt chước theo. Tình yêu với ngôn ngữ này cứ thế lớn dần. Năm 19 tuổi, khi sức khỏe đã hồi phục, sau nhiều lần thuyết phục bố mẹ, chị được đi học tiếng Anh.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và sức khỏe không ổn định, Lan Anh chỉ học một thời gian ngắn rồi tạm dừng. Lúc này, chị xác định rằng, tự học sẽ là phương pháp hiệu quả và phù hợp nhất. Chị nhớ lại: “Tôi tiết kiệm từng đồng tiền để mua từ điển, sách tham khảo tiếng Anh. Ngoài thời gian phụ mẹ bán hàng, cứ rảnh là tôi lại mở sách ra học, say mê đến mức nhiều đêm, mẹ phải nhắc nhở mới chịu đi ngủ”.
Cô giáo Lê Thị Lan Anh (thứ hai từ trái sang) cùng các học sinh tại lớp học tiếng Anh của mình. Ảnh: NVCC
Thấy được sự chăm chỉ, nghiêm túc trong việc học tiếng Anh của chị, một người hàng xóm đã ngỏ ý đưa 2 con tới cho cô gái khuyết tật dạy học. “Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì không có nền tảng sư phạm chính quy. Tuy nhiên, khi các con về nhà và khoe với bố mẹ là hiểu bài thì tôi thấy tự tin hơn với công việc này”, chị hồ hởi kể lại.
“Tiếng lành đồn xa”, cô gái khuyết tật Lê Thị Lan Anh, dù chưa từng qua trường lớp sư phạm hay đứng trên bục giảng, nhưng lại được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình. Với sự ủng hộ từ gia đình và phụ huynh, năm 2000, chị chính thức đầu tư cơ sở vật chất, mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà.
Mỗi dịp 20-11, cô giáo Lan Anh lại rạng rỡ bên những bó hoa tươi thắm do học sinh và phụ huynh trao tặng. Ảnh: NVCC
Chị Lan Anh kể, nhiều hôm, khi các em học sinh về hết thì cũng là lúc đôi chân muốn khuỵu xuống, nhưng vì lòng yêu nghề, chị luôn nỗ lực để gắn bó với các em. “Dạy học với tôi không chỉ là công việc đơn thuần, mà là niềm đam mê, là cách tôi tìm thấy niềm vui, giá trị và mục đích trong cuộc sống”, cô giáo “tí hon” bộc bạch.
Chị Lê Thêu, mẹ của em Hải Đăng - một học sinh trong lớp của cô Lan Anh, cho biết: “Ban đầu, khi nghe về hoàn cảnh đặc biệt của Lan Anh, tôi khá phân vân, sợ con trai sẽ ngại ngùng. Nhưng khi gặp cô, tôi thực sự ấn tượng bởi sự gần gũi, tận tâm, nhiệt tình, luôn hết mình vì học trò.
Nghị lực vươn lên của cô không chỉ truyền cảm hứng cho Hải Đăng trong học tập mà còn giúp con thêm tự tin và trưởng thành trong cuộc sống. Đây là lý do mà tôi quyết định cho con học cô giữa rất nhiều trung tâm ngoài kia. Tôi chỉ mong cô có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng các con trên con đường tri thức”.
Lê Thị Lan Anh (thứ 2 từ trái sáng) nhận giải thưởng KOVA ở hạng mục “Sống đẹp” năm 2019. Ảnh: NVCC
Từ lớp học đơn sơ của cô giáo mắc dị tật, nhiều bạn đã đỗ vào đại học hay đi du học nước ngoài và có cả những bạn viết tiếp ước mơ của cô Lan Anh là trở thành giáo viên. "Niềm vui lớn nhất của tôi khi dạy học là được chứng kiến các em trưởng thành trong cuộc sống, và nhận được sự yêu quý từ phụ huynh. Tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh này, trao đi những giá trị và kiến thức cho các em học sinh”, chị Lê Thị Lan Anh phấn khởi.
Với nghị lực không ngừng vươn lên và những cống hiến cho cộng đồng, cô giáo Lan Anh đã được trao Giải KOVA lần thứ 17 năm 2019 ở hạng mục "Sống đẹp”.
Cùng năm, chị vinh dự nhận Bằng khen và được biểu dương là gương "Người tốt, việc tốt" từ Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Đến năm 2020, chị tiếp tục được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Năm 2023, với bài viết nói về cuộc đời mình, Lan Anh vinh dự đạt giải B trong cuộc thi viết “Vượt lên số phận” do Tạp chí Thanh niên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức.
Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY