Nghị quyết 57: Khơi dậy sức mạnh sáng tạo và trách nhiệm của giới khoa học

Nghị quyết 57: Khơi dậy sức mạnh sáng tạo và trách nhiệm của giới khoa học
5 giờ trướcBài gốc
GS.TS.Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 22-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức ngày 8/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 là một trong những những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Theo Thủ tướng, Nghị quyết 57 là động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS.Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để làm rõ hơn về nội dung, tầm nhìn và ý nghĩa của Nghị quyết 57.
Giáo sư nhận định như thế nào về tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia?
GS.TS.Trần Tuấn Anh: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ do Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nghị quyết đã xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tầm nhìn này phù hợp với xu hướng toàn cầu, khi các quốc gia tiên tiến đều coi đây là yếu tố quyết định để vượt qua thách thức và đạt được sự phát triển bền vững.
Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công - tư. Tầm nhìn này hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Việc nhấn mạnh chuyển đổi số quốc gia cho thấy Đảng đã nhận thức rõ rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ công nghệ số để phát triển nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.
Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và số hóa. Đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là yếu tố cần thiết để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong xã hội.
Hơn hết, Nghị quyết thể hiện sự nắm bắt kịp thời các xu thế toàn cầu, như toàn cầu hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng và tăng cường cạnh tranh công nghệ giữa các nước, thể hiện tính dự báo và thích ứng với xu thế toàn cầu, hội nhập quốc tế.
Với quan điểm và cách tiếp cận mới, 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 57 đưa ra là sự tổng hòa giữa các yếu tố nền tảng và các yếu tố đột phá.
Trong đó, tư tưởng đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo được nhấn mạnh ngay đầu tiên trong phần nhiệm vụ giải pháp là yếu tố rất quan trọng, quyết định cho thành công của Nghị quyết.
Nhóm nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp... thực sự sẽ là động lực để phát triển khoa học và công nghệ, sớm đưa những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội.
Các nhóm nhiệm vụ về tăng cường đầu tư, hoàn thiện về hạ tầng, phát triển trọng dụng nhân lực, nhân tài, hợp tác quốc tế đã theo đúng xu thế phát triển về khoa học công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới.
Việc đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở các cơ quan trong hệ thống chính trị và cả trong doanh nghiệp sẽ tạo sự đồng bộ, góp phần tạo điều kiện để Việt Nam tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Đối với giới trí thức, nhà khoa học, Nghị quyết 57 mang lại nguồn cảm hứng như thế nào, thưa Giáo sư?
GS.TS.Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 57-NQ/TW có tính định hướng chiến lược rõ ràng, đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển đất nước. Điều này không chỉ thể hiện sự công nhận mà còn khích lệ, động viên giới trí thức, nhà khoa học cảm thấy tự hào và ý thức trách nhiệm cao hơn, tạo động lực để tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, các cam kết về cơ chế, chính sách ưu tiên như tăng cường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp giúp tạo môi trường thuận lợi, thực tiễn hơn cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, việc chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học sẽ cho phép các nhà khoa học mạnh dạn khai phá những ý tưởng và hướng đi mới.
Nghị quyết cũng mở ra không gian sáng tạo cho giới trí thức, nhà khoa học nắm bắt cơ hội lớn trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, dữ liệu lớn và chuyển đổi số.
Nghị quyết 57 nêu rõ: Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Vậy nhà khoa học cần làm gì để là nhân tố then chốt theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57, thưa Giáo sư?
GS.TS.Trần Tuấn Anh: Để trở thành nhân tố then chốt, giới trí thức, nhà khoa học cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức mới.
Quan trọng nhất là hướng các nghiên cứu của mình vào những vấn đề thực tiễn mà đất nước đang cần như sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực và phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác,..
Bên cạnh đó, việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ qua giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp lan tỏa tinh thần yêu khoa học mà còn thúc đẩy khát vọng sáng tạo trong cộng đồng.
Đồng thời, các nhà khoa học cũng cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, trở thành cầu nối giữa khoa học và các cơ quan hoạch định chính sách. Điều này giúp các chính sách được xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn và có tính khả thi.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Hoàng Giang (Báo Nhân Dân)
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/167766/nghi-quyet-57-khoi-day-suc-manh-sang-tao-va-trach-nhiem-cua-gioi-khoa-hoc