Tại Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ 6, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình tiến ra thế giới của FPT.
Theo ông Trương Gia Bình, vào ngày 3/9/1988, ngày đầu tiên thành lập công ty, tầm nhìn của FPT là mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh, bằng nỗ lực trong khoa học kỹ thuật, góp phần hưng thịnh quốc gia.
10 năm sau đó, FPT quyết định đi ra nước ngoài. “Thấy Ấn Độ thành công, chúng tôi mở chi nhánh tại Bangalore nhưng không có một hợp đồng nào cả. Tôi nghĩ phải đến thung lũng Silicon (Mỹ), chúng tôi mở chi nhánh ở đó và cũng không có một hợp đồng nào cả”, ông Bình chia sẻ về những ngày đầu ra biển lớn đầy gian khó.
Vào lúc tiền đã hết, rất nhiều người thất vọng, “ánh sáng cuối đường hầm” đã xuất hiện với FPT khi ông Ishida (tập đoàn Sumitomo) đã giới thiệu doanh nghiệp này cho các tập đoàn hàng đầu ở Nhật Bản.
Tại đây, FPT đã phát hiện ra một điều rất quan trọng, có ý nghĩa đến tận ngày hôm nay. Đó là, không một quốc gia nào có các kỹ sư CNTT sẵn sàng học tiếng bản địa. Họ chủ yếu nói tiếng Anh.
“Chúng tôi rất may mắn được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép một công ty thành lập trường đại học dạy các kỹ sư CNTT về tiếng Nhật. Ngày hôm nay, đấy là sức mạnh của Việt Nam tại Nhật Bản”, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình chia sẻ về hành trình FPT ra thế giới. Ảnh: Hoàng Hà
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết công ty làm phần mềm nước ngoài tại Nhật Bản là các công ty Việt Nam. Việt Nam cũng đã có một hiệp hội phần mềm của mình tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, không dừng ở tiếng Nhật, các kỹ sư FPT bắt đầu học cả tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác để biến đây thành cầu nối đưa tập đoàn này ra thị trường quốc tế. Học tiếng bản địa để bán dịch vụ phần mềm, đây được xem như cách làm đặc biệt riêng có của Việt Nam.
Theo ông Trương Gia Bình, hiện có 2 điều kiện thuận lợi, đảm bảo ngành phần mềm Việt Nam ở nước ngoài liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Đó là sự nổi lên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những biến động địa chính trị toàn cầu.
“Các tập đoàn đi trước có doanh số hàng chục tỷ USD về các ngành truyền thống. Đội ngũ của họ hầu hết tập trung vẫn là CNTT. Trong khi đó, Việt Nam dễ dàng chuyển sang lĩnh vực chưa to, quy mô chưa nhiều chục tỷ USD, nhưng tăng trưởng rất nhanh, đó là chuyển đổi số”, Chủ tịch FPT nhận định.
Mâu thuẫn địa chính trị giữa các nước cũng góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
“Khi các cường quốc rút ra khỏi Trung Quốc, họ chuyển giao công việc ấy cho Việt Nam. Thậm chí họ còn chuyển giao đội ngũ đã dày công xây dựng nhiều năm cho Việt Nam. Bằng cách đó, chúng tôi rút ngắn con đường tích lũy các kiến thức, bí kíp về ngành, công nghệ hàng 10 năm”, ông Bình nói.
Ở thời điểm hiện tại, khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về CNTT, Chủ tịch FPT cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải có sự thay đổi. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.
Chia sẻ góc nhìn, ông Trương Gia Bình cho rằng: “Ngày xưa khi Acsimet nói rằng, nếu cho tôi một điểm tựa tôi có thể bẩy cả thế giới. Tôi nghĩ Nghị quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh. Đây là khát vọng của cả dân tộc”.
Trọng Đạt