Nghị quyết 57-NQ/TW tạo động lực, tháo điểm nghẽn công nghệ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Nghị quyết 57-NQ/TW tạo động lực, tháo điểm nghẽn công nghệ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
7 giờ trướcBài gốc
GS.TS Trương Đình Dụ - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi, (nay là viện khoa học Thủy lợi Việt Nam), nhà khoa học được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt IV năm 2012 đã chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học về Nghị quyết 57-NQ/TW.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Giáo sư đánh giá như thế nào về vấn đề này?
GS.TS Trương Đình Dụ: Theo tôi, việc ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết, mang tính đột phá trong phát tiển kinh tế xã hội của đất nước. Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số và nền kinh tế tri thức toàn cầu.
GS.TS Trương Đình Dụ chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học về Nghị quyết 57-NQ/TW.
Về vấn đề này, chúng ta đều biết khoa học công nghệ là chìa khóa để mở cánh cửa phát triển đất nước một cách toàn diện. Ở các quốc gia trên thế giới, muốn phát triển phải coi ưu tiên phát triển khoa học là số một.
Giờ đây Bộ Chính trị mà trực tiếp Tổng bí thư Tô Lâm nắm chìa khóa này, tôi tin rằng sẽ mở ra kỷ nguyên mới, đưa đất nước tiến nhanh, đuổi kịp các nước phát triển hàng đầu thế giới.
Trên thực tế, chúng ta đã có nhiều nghị quyết về khoa học công nghệ nhưng đi vào thực tế chưa được nhiều. Lần này Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều nội dung và tư tưởng mới.
Tôi cho đây là vấn đề đột phá, không những tạo sự rất phấn khích cho những người hoạt động khoa học công nghệ, mà còn tạo thêm luồng gió mới, tâm thế mới cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Bởi vì chỉ có khoa học công nghệ mới đưa Việt Nam vươn lên tầm cao, sánh với bè bạn thế giới. Chỉ có nước nào chú ý phát triển khoa học thì nước đó phát triển nhanh giàu mạnh.
Từ lâu Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương coi khoa học công nghệ là then chốt, nhưng đi vào ứng dụng thực tế chưa được nhiều, thậm chí còn nhiều hạn chế.
Theo quy định, chi cho khoa học công nghệ phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách và tăng dần theo nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ nhưng trong thực tế chưa thực hiện được.
Lần này, Nghị quyết 57-NQ/TW đã nêu rõ: "Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo", đây là sự thay đổi lớn.
Nhiều chính sách nhà nước về trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chưa thực hiện hiệu quả. Cái quan trọng nhất của người làm khoa học là tạo dựng môi trường để người nghiên cứu thỏa sức có điều kiện cống hiến.
Chưa có cơ chế khuyến khích cho những kết quả nghiên cứu khoa học khi áp dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất; chính sách trả bản quyền cho tác giả cũng không được quan tâm đúng mức. Chưa có chính sách thỏa đáng cho các nhà khoa học khi kết quả nghiên cứu có hiệu quả trong phát triển kinh tế, giúp tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?
GS.TS Trương Đình Dụ: Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với các lý do:
- Nghị quyết 57-NQ/TW này mang tính đột phá vào tạo bước chuyển mạnh mẽ trong khoa học công nghệ.
- Đây là Nghị quyết 57-NQ/TW mà nhiều nhà khoa học nói riêng cũng như doanh nghiệp, người dân mong chờ tạo ra luồng gió mới. Đưa khoa học công nghệ vào tất cả lĩnh vực cũng như cuộc sống.
- Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời rất đúng thời điểm khi cả nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời nó cũng phù hợp quy luật phát triển kinh tế xã hội của thời đại.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Lần đầu tiên Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cho thấy tầm quan trọng to lớn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Nghị quyết 57-NQ/TW. Giáo sư có suy nghĩ như thế nào?
GS.TS Trương Đình Dụ: Trước đây có người hỏi tôi khi nào thì khoa học công nghệ Việt Nam phát triển, tôi trả lời là khi nào Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ vào Bộ Chính trị thì khoa học công nghệ Việt Nam mới phát triển. Bây giờ yêu cầu đó đã vượt xa hơn. Lần đầu tiên Tổng bí thư trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ. Điều đó thể hiện Bộ Chính trị đã nhận thức sâu sắc vấn đề là chỉ có khoa học công nghệ mới đưa đất nước ta nhanh chóng trở thành nước giàu đẹp và do đó đã quyết tâm tập trung phát triển.
Tôi cũng tin tưởng rằng với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, với Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời và nhiều chủ trương mới của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, tuy sẽ có nhiều khó khăn; nhưng hợp lòng dân, nên chăc chắn thành công. Nước ta sẽ phát triển nhanh mạnh trong kỷ nguyên mới, theo kịp các nước phát triển; đáp ứng được mong mỏi của Chủ tich Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thường Tín
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/nghi-quyet-57-nq-tw-tao-dong-luc-thao-diem-nghen-cong-nghe-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-17925011316350896.htm