Nghị quyết 68 cởi trói tiềm năng kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 cởi trói tiềm năng kinh tế tư nhân
7 giờ trướcBài gốc
Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa tương xứng với tiềm năng
Ngày 13/5, Tạp chí Đầu tư Tài chính - Vietnam Finance tổ chức Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”.
Kinh tế tư nhân cần cơ chế đột phá để phát triển
Khu vực kinh tế tư nhân đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực này đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, ước tính khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra tới 82% tổng số việc làm.
Không chỉ vậy, kinh tế tư nhân còn là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã vươn mình lớn mạnh, xây dựng thương hiệu uy tín và khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trần Quốc Toản - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thực tiễn phát triển cho thấy kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với không ít thách thức. Ba nguyên nhân chính được chỉ ra là: nhận thức chưa đầy đủ và thống nhất về vai trò của khu vực này; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; và bản thân nội lực của khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, chưa thực sự trở thành một lực lượng đủ mạnh.
Nhìn lại lịch sử, PGS.TS. Trần Quốc Toản cho rằng, do những đặc thù về nguồn lực sau giải phóng, Việt Nam từng có giai đoạn thu hẹp vai trò của kinh tế tư nhân. Song, thực tế đã chứng minh rằng không thể đạt được sự phát triển bền vững nếu thiếu đi sự đóng góp của khu vực này. Do đó, việc nhìn nhận một cách đúng đắn, đầy đủ và khách quan về vai trò của kinh tế tư nhân là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để kinh tế tư nhân thực sự phát triển mạnh mẽ, cần giải quyết những bài toán lớn như khó khăn trong tiếp cận đất đai, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, nơi hàng trăm triệu m2 đất nông nghiệp đang vướng mắc về chính sách; hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách hỗ trợ công nghệ còn thiếu động lực; và sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị còn rời rạc. Hệ sinh thái doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp vốn là trụ cột của nền kinh tế, vẫn chưa được hình thành một cách rõ nét.
Để khơi thông tiềm năng của kinh tế tư nhân, PGS.TS. Trần Quốc Toản cho rằng cần có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả. Mô hình liên kết theo hình chóp tại Đức, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị, có thể là một gợi ý đáng tham khảo cho Việt Nam.
Nghị quyết 68: Kỳ vọng đột phá cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 được Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, ông Nguyễn Hữu Hùng đánh giá là một văn kiện mang tính đột phá, lần đầu tiên đề cập một cách sâu rộng đến những tồn tại kéo dài suốt 40 năm Đổi mới.
"Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng không thể phủ nhận những thách thức lớn vẫn còn. Việc thẳng thắn nhìn nhận, xác định rõ ràng và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ là một tín hiệu đáng mừng. Nghị quyết sẽ tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân được nhìn nhận đúng vai trò và có cơ hội phát triển mạnh mẽ", ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hùng lưu ý, bên cạnh sự ủng hộ từ Đảng và Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng, quản trị, văn hóa và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Cùng quan điểm, TS. Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, Nghị quyết 68 được xây dựng dựa trên hai tư duy cốt lõi: "cởi trói" và "phát triển". Tư duy "cởi trói" tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay như đất đai, vốn và cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, tư duy "phát triển" phân loại doanh nghiệp tư nhân thành ba nhóm để có những chính sách hỗ trợ phù hợp: doanh nghiệp dẫn dắt gắn với các bài toán quốc gia, doanh nghiệp tiên phong và doanh nghiệp nhỏ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định Nghị quyết 68 là một văn kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Để theo kịp các nền kinh tế phát triển, Việt Nam cần hành động quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược và thực hiện một cách nghiêm túc. Nghị quyết là một dấu mốc quan trọng, nhưng điều then chốt là phải có hành động đồng bộ và quyết liệt để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống".
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam phân tích thêm, Nghị quyết 68 không chỉ hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế tư nhân mà còn khẳng định vai trò của khu vực này trong định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông Bình, nếu được phát triển đúng hướng, kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Hà Sơn
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/nghi-quyet-68-coi-troi-tiem-nang-kinh-te-tu-nhan-164107.html