Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, bởi không chỉ có những mục tiêu đầy tham vọng, mà đó là sự thay đổi căn bản trong tư duy quản lý và chiến lược phát triển quốc gia.
Theo nghị quyết, đến năm 2030, khu vực KTTN được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 55-58% GDP và giải quyết việc làm cho 84-85% lao động hằng năm. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp (DN), trong đó có ít nhất 20 DN đủ tiềm lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Xa hơn, đến năm 2045 nâng tổng số DN trên cả nước lên con số 3 triệu cũng thể hiện sự quyết tâm đặt nền móng cho một nền kinh tế vững mạnh, sẵn sàng thích ứng linh hoạt với kinh tế toàn cầu.
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam sẽ có 2 triệu DN, trong đó có ít nhất 20 DN đủ tiềm lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 không dừng lại ở việc “trao cơ hội”, mà thể hiện rõ một bước ngoặt trong nhận thức: từ “quản lý” sang “kiến tạo”, từ coi KTTN là thành phần bổ trợ sang xác lập vị thế là một động lực chủ đạo của nền kinh tế. Đây không chỉ mang tính định hướng chính sách, mà còn tuyên ngôn hành động nhằm giải phóng, chắp cánh cho DN Việt thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Lần đầu tiên, khu vực KTTN được khẳng định vai trò, động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Trong nhiều năm, khu vực KTTN được ví như “cỗ xe” âm thầm kéo nền kinh tế đi lên. Nhưng giờ đây, sau khi Nghị quyết 68 ra đời, vai trò ấy được nhìn nhận lại một cách đầy đủ và thực tế hơn: KTTN phải là “đầu kéo” cho tăng trưởng đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu.
Theo đó, loạt nút thắt trói buộc năng lực KTTN lâu nay như vốn, đất đai, thuế, pháp lý đến nhân lực sẽ được tháo gỡ bằng loạt chính sách ưu đãi chưa từng có tiền lệ.
Trước hết là về tài chính, DN nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm, xóa lệ phí môn bài, đáng chú ý là chi phí nghiên cứu và phát triển được khấu trừ thuế gấp đôi. Quỹ bảo lãnh tín dụng được mở rộng quy mô lên 50 nghìn tỷ đồng, lần đầu tiên cấp độ chính sách tài chính hỗ trợ KTTN có quy mô “khủng”.
Những nút thắt trói buộc năng lực KTTN lâu nay như vốn, đất đai, thuế, pháp lý ... sẽ được tháo gỡ bằng loạt chính sách ưu đãi chưa từng có tiền lệ.
Nghị quyết cũng đưa ra cam kết đơn giản hóa các thủ tục hành chính với mục tiêu cắt giảm 30% các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giúp DN bớt “mỏi gối chồn chân” trong “ma trận thủ tục”. Điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 68 nữa là các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh (chiếm hơn 97% lượng DN cả nước) cũng được hỗ trợ chuyển đổi mô hình, tiếp cận tài chính, đất đai và dịch vụ pháp lý miễn phí, tạo một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, công bằng... Về nguồn nhân lực, chi phí đào tạo lao động được khấu trừ thuế đến 200%, đi kèm các chương trình hỗ trợ xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ, có năng lực hội nhập…
Nghị quyết 68 là cơ hội chưa từng có để KTTN vươn mình, mở rộng quy mô, chuyên nghiệp hóa và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự thành hiện thực với những DN dám thay đổi. Thực tế cho thấy, thời gian qua, tuy đã có những phát triển đáng ghi nhận, song KTTN vẫn còn đó những vấn đề nội tại: quy mô nhỏ, năng lực quản trị hạn chế, thiếu vốn, đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn yếu. Trong khi đó, sự chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn với DN. Bởi vậy, muốn cạnh tranh, DN phải thay đổi tư duy từ kinh doanh ngắn hạn sang phát triển bền vững. Thêm nữa, muốn lớn mạnh, DN phải vượt qua tâm lý “ăn xổi”, xây dựng chiến lược dài hơi và dấn thân vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Hà Tĩnh đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển KTTN.
Nhìn từ thực tiễn địa phương, Hà Tĩnh đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển KTTN. Với hơn 6.800 DN đang hoạt động, vốn đăng ký 233.397 tỷ đồng, trong đó gần 60% GRDP của tỉnh đến từ khu vực này đã cho thấy những bước đi đúng trong định hướng phát triển KTTN của tỉnh thời gian qua.
Để có được những quả ngọt này, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ DN tiếp cận mặt bằng để đầu tư sản xuất một cách nhanh nhất. Mặt khác, tỉnh khuyến khích DN đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như năng lượng tái tạo, logistics thông minh và nông nghiệp công nghệ cao… những lĩnh vực gắn với quy hoạch phát triển Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Không dừng lại ở mức độ khuyến khích, Nghị quyết 68 khẳng định cam kết chiến lược của Nhà nước trong việc xác lập khu vực KTTN - một trong những trụ cột quan trọng sớm đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các quốc gia phát triển.
Khi thể chế đồng hành, khi khát vọng vươn lên trở thành động lực nội sinh, khu vực KTTN hoàn toàn có thể trở thành cú hích lịch sử, mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng: nhanh hơn, xa hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.
Đình Trung