Nghị quyết 68 gọi tên báo chí trong nhiệm vụ đầu tiên

Nghị quyết 68 gọi tên báo chí trong nhiệm vụ đầu tiên
18 giờ trướcBài gốc
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, mở ra một hành trình mới nhằm khơi thông, nâng tầm và giải phóng sức mạnh nội lực trong nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết đã định vị lại vai trò kinh tế tư nhân như một trụ cột quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Ngay trong phần nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên, Đảng ta khẳng định: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hành động, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin, tự cường, tự hào dân tộc của mọi người dân để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực, đầy đủ, cổ vũ, lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân”.
Đây không chỉ là lời nhắc nhở. Đó là một chỉ lệnh chính trị với lực lượng báo chí truyền thông cách mạng. Báo chí cần khơi dậy nhận thức xã hội, nếu không tạo khí thế khởi nghiệp, nếu không bảo vệ doanh nhân và doanh nghiệp tử tế bằng sự thật…
Cơ quan truyền thông, báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền
Nhìn ra thế giới: Báo chí là bạn đồng hành cải cách
Trong quá trình công nghiệp hóa thần tốc của Hàn Quốc thời kỳ Tổng thống Park Chung Hee, báo chí được chính phủ sử dụng như một công cụ phối hợp chính sách để cổ vũ cho các tập đoàn chaebol trụ cột như Samsung, Hyundai, LG… Đó là giai đoạn truyền thông không đưa tin một chiều, mà “đưa niềm tin chính sách” tới người dân, tới doanh nghiệp đang còn dè dặt, nghi ngờ.
Một ví dụ điển hình là sự thành công của Hàn Quốc trong chính sách “Saemaul Undong” (Phong trào làng mới), được báo chí Hàn cổ vũ rộng khắp, từ bản tin chính sách đến phim tài liệu, từ phóng sự địa phương đến các kênh phát thanh nông thôn. Kết quả là cả nước… hành động đồng bộ.
Tại Singapore, Han Fook Kwang, Cựu Tổng Biên tập The Straits Times từng nhấn mạnh vai trò của báo chí tại Singapore là giải thích và làm rõ các chính sách của chính phủ, thay vì đối đầu hay chỉ trích một cách không xây dựng. Ông lập luận rằng: Báo chí nên đóng vai trò cầu nối giữa chính phủ và người dân, giúp công chúng hiểu rõ mục đích và lợi ích của các chính sách được ban hành. Việc đối đầu không cần thiết có thể làm suy giảm niềm tin của người dân vào cả chính phủ lẫn truyền thông, gây ra sự chia rẽ trong xã hội.
Tại Ấn Độ, chiến dịch “Startup India – Digital India” không thể thành công nếu thiếu hệ sinh thái truyền thông vào cuộc. Các đài truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội, podcast… phối hợp cùng chính phủ để tạo nên tâm thế quốc gia khởi nghiệp, làm thay đổi văn hóa từ “làm công” sang “làm chủ”.
Báo chí Việt Nam, với sứ mệnh cách mạng được hun đúc từ thời Đổi mới, không chỉ là người đưa tin mà còn là người đồng hành tin cậy của doanh nghiệp tư nhân trên hành trình kiến tạo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mỗi bài viết phản ánh chính sách, mỗi bản tin tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, mỗi tuyến bài tôn vinh doanh nhân tử tế… đều là nhịp cầu nối thể chế với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với định kiến, rào cản hành chính và cả những cuộc “khủng hoảng niềm tin” từ dư luận, báo chí chính thống đóng vai trò bảo vệ, minh định và lan tỏa năng lượng tích cực. Không dừng lại ở truyền thông chính sách, báo chí còn góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thế nhưng bước sang thời kỳ mạng xã hội trỗi dậy, đã có lúc niềm tin bị bóp méo. Nhiều doanh nghiệp bị “ném đá hội đồng” chỉ vì tin đồn, nhiều người làm ăn chân chính bị mất thị trường vì các clip cắt ghép, tin giật gân. Báo chí chính thống nếu không đủ mạnh, không đủ nhanh, sẽ mất quyền dẫn dắt dư luận.
Khi đội ngũ báo chí cần nhận lại chính mình
Đã đến lúc đội ngũ làm báo phải thoát khỏi mặc cảm “viết về doanh nghiệp là có động cơ”. Khi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế thì viết đúng, viết trúng, viết kịp thời để bảo vệ và thúc đẩy họ chính là góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển quốc gia.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: Kỷ nguyên mới cũng đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm với nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Truyền thông không còn đi sau chính sách mà phải đi trước để mở đường
Nếu trước đây báo chí chỉ “phổ biến nghị quyết” thì hôm nay, báo chí phải là lực lượng giải thích chính sách, phản biện chính sách, đề xuất chính sách.
Muốn vậy, cần chuyển từ tư duy làm tin sang tư duy làm chiến dịch. Mỗi nhóm chính sách trong Nghị quyết 68 cần được biến thành các tuyến bài, chuyên mục, video, talkshow, podcast… với cách kể hấp dẫn, dễ hiểu, dễ chia sẻ.
Phải có thế hệ phóng viên “viết được chính sách, hiểu được kinh tế, cảm được đời sống”. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí truyền thông phải: Đào tạo chuyên sâu về kinh tế thị trường, thể chế, luật doanh nghiệp, đầu tư công, chuyển đổi số. Xây dựng các nhóm phản ứng nhanh về truyền thông chính sách, nhất là trong các tình huống khủng hoảng thông tin. Tôn vinh những nhà báo đi đầu trong “giải cứu niềm tin”, những cây bút không chỉ sắc sảo mà còn tỉnh táo, liêm chính và trách nhiệm với quốc gia.
Không để truyền thông nhũng nhiễu doanh nghiệp
Việc Đảng nêu rõ và đặt trong giải pháp đầu tiên yêu cầu nghiêm cấm thông tin sai lệch ảnh hưởng doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện sự coi trọng vai trò của niềm tin trong môi trường kinh doanh, bởi chỉ cần một tin giả cũng đủ khiến cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư rút vốn, hoặc dư luận tẩy chay không kiểm chứng.
Nghị quyết còn yêu cầu xác lập ranh giới giữa phản biện và phá hoại, báo chí và mạng xã hội có quyền giám sát, nhưng phải dựa trên sự thật, công bằng và có trách nhiệm. Mặt khác, phải bảo vệ lực lượng sản xuất hợp pháp, đổi mới và cống hiến. Doanh nhân chân chính không thể bị đẩy vào “vùng rủi ro dư luận” bởi tin đồn, kích động, xuyên tạc.
Do vậy, cần có các giải pháp quản lý báo chí truyền thông chặt chẽ hơn nữa, qui định rõ các hành vi bị cấm như bịa đặt, suy diễn, tung tin từ nguồn không kiểm chứng… Cần có cơ chế kiểm chứng nguồn tin trước khi đăng tải, có chế tài đối với phóng viên, tòa soạn vi phạm, kể cả rút thẻ, tạm dừng hoạt động chuyên mục sai phạm.
Mỗi cơ quan báo chí cần có bộ phận xử lý khiếu nại và phản hồi thông tin doanh nghiệp, công khai hotline, email, thời gian xử lý. Phân định rõ giữa phản ánh tiêu cực và bôi nhọ. Đào tạo phóng viên hiểu rõ: viết về sai phạm doanh nghiệp phải dựa trên kết luận thanh tra, điều tra, tài liệu hợp pháp, có đối thoại hai chiều, đảm bảo quyền được nói của doanh nghiệp. Không dùng ngôn ngữ mang tính kết luận, ám chỉ gây hiểu lầm. Cơ quan báo chí cần tự gắn “văn hóa chuẩn tin”. Mỗi tòa soạn cần thiết lập tiêu chuẩn nội dung với doanh nghiệp: yêu cầu 2 nguồn trở lên, kiểm tra chéo, có trách nhiệm phản hồi.
Một nền kinh tế tư nhân phát triển không thể đứng vững trên nền truyền thông nhiễu loạn, định kiến và sai lệch. Nghị quyết 68 đã khẳng định rõ: tự do thông tin không đồng nghĩa với tự do làm tổn hại danh dự cá nhân và uy tín doanh nghiệp.
Bảo vệ doanh nghiệp bằng thông tin đúng, công bằng và tử tế cũng chính là bảo vệ động lực tăng trưởng của quốc gia. Đó là nghĩa vụ không chỉ của Nhà nước mà của cả hệ sinh thái truyền thông, báo chí Việt Nam hôm nay.
Đại Bàng
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nghi-quyet-68-goi-ten-bao-chi-trong-nhiem-vu-dau-tien-386369.html