Nghị quyết 68: Khơi thông động lực phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68: Khơi thông động lực phát triển kinh tế tư nhân
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 68 được xem là một bước ngoặt trong tư duy phát triển, khi không chỉ khẳng định vị thế và vai trò then chốt của kinh tế tư nhân, mà còn cam kết cải thiện môi trường thể chế, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện để khu vực này bứt phá trong giai đoạn mới.
Nghị quyết nêu 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp để đưa đất nước bứt phá. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ đạt trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á đến năm 2030. Đến năm 2045, khu vực này phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Mục tiêu, Việt Nam sẽ có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP.
Đặc biệt, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát “một bức tranh toàn cảnh” của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh những gam màu tươi sáng, những nốt nhạc vui, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những vấn đề còn trăn trở. Qua đó, Tổng Bí thư đã đưa ra những định hướng hết sức quan trọng, “phát pháo lệnh” cho toàn bộ hệ thống chính trị tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm “phá tan những điểm nghẽn” để kinh tế tư nhân bứt phá.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng làm Trưởng ban và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ban Chỉ đạo đã tập trung toàn bộ sức lực, thời gian, trí tuệ làm việc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, chuyên nghiệp, hoàn thành dự thảo với chất lượng cao trong thời gian ngắn.
Trong một thời gian dài, kinh tế tư nhân vẫn bị đặt trong tư thế “thứ yếu”, thiếu sự bình đẳng thực sự về cơ hội tiếp cận nguồn lực, thông tin, đất đai, tín dụng… Tình trạng chưa nhất quán giữa chủ trương và chính sách khiến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nhiều lúc bị bào mòn.
Với tinh thần xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện đột phá, nghị quyết là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng về vai trò then chốt, động lực quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, một loạt thông điệp như “mệnh lệnh được phát ra từ trái tim và khối óc”: “Cởi trói”, “Đổi mới hay là chết” đã quy tụ được sức mạnh toàn dân, giải phóng sức sản xuất, tạo nên sự hứng khởi, để tất cả các thành phần kinh tế đều được “bung ra”, chung sức đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội sâu sắc và đến bây giờ chúng ta đã có được cơ đồ rất đỗi tự hào.
Hiện nay, với hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và hàng chục triệu lao động, khu vực này đã đóng góp khoảng 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách và hơn 80% việc làm cho toàn xã hội. Việt Nam đặt mục tiêu có trên 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ công việc hằng ngày của những tiểu thương cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho mỗi người dân đến những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã và đang đưa thương hiệu Việt vươn ra “biển lớn”, ngày càng khẳng định trên thị trường khu vực và thế giới. Gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến rất đáng tự hào, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng là lực lượng kinh tế nòng cốt của đất nước. Chúng ta phải nhìn nhận, tuy số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng đa phần còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, tỉ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp (dưới 20%), trong khi 70% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về FDI. Vậy nên, định hướng phát triển nhanh, mạnh nhưng phải bền vững - nghĩa là không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn đảm bảo vai trò lâu dài, song hành cùng nhà nước - là hoàn toàn xác đáng và cấp thiết.
Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, dịch chuyển chuỗi cung ứng, thuế tối thiểu toàn cầu... khu vực FDI cũng cần thận trọng. Doanh nghiệp nhà nước thì đang được tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu. Vì vậy, nếu muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, khu vực tư nhân vô cùng quan trọng.
Để hiện thực hóa tinh thần của nghị quyết, đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành ngọn cờ đầu trên mặt trận kinh tế, không chỉ cần thay đổi tư duy và chính sách, mà còn cần sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, cơ chế thực thi và một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Những quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 68 đã rõ, giờ rất cần có khuôn khổ pháp luật, những gì luật hiện hành chưa có thì cần đưa vào để tạo hành lang pháp lý chung, qua nghị định, thông tư của Chính phủ, của bộ, ngành và các văn bản pháp hướng dẫn khác. Đây là khung pháp lý cơ bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được hệ sinh thái tự do để phát triển và đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Vui mừng đón nhận Nghị quyết 68, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nghị quyết này đã thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế”; là “bước ngoặt lịch sử” trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá với những mục tiêu truyền cảm hứng, đầy khát vọng; đi vào tận gốc rễ của vấn đề là “cải cách thể chế”, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian phát triển, hỗ trợ thực chất; tạo lập và củng cố niềm tin… để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng nhất; là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng” với tinh thần chủ động, tự cường, đầy khát vọng.
DỤNG VĂN DUY
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/nghi-quyet-68-khoi-thong-dong-luc-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-130376.html