Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, lần đầu tiên khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong giai đoạn tới - Ảnh: VGP/Quang Thương
Sự hồ hởi từ cộng đồng doanh nghiệp và bước tiến về mặt pháp lý
Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: "Ngay khi Nghị quyết 68 được ký ban hành từ tập đoàn lớn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều hồ hởi và họ mong đợi điều này từ lâu. Nghị quyết 68 đã khẳng định rõ ràng vị trí của khu vực kinh tế tư nhân, với những chính sách thực chất và mang tính cách mạng".
Điểm đột phá đầu tiên của Nghị quyết 68 chính là việc xóa bỏ những định kiến, nghi kỵ vốn tồn tại lâu nay về vai trò của kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, khu vực này được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, nghị quyết còn đề ra những chính sách rất cụ thể như miễn thuế trong ba năm đầu, bỏ phí môn bài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào các lĩnh vực vốn là 'vùng cấm' chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước như công nghiệp quốc phòng, an ninh và cả tư pháp.
Một trong những chính sách được giới doanh nghiệp đặc biệt đón nhận là việc tách bạch rõ ràng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân trong các sai phạm kinh tế. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là bước tiến rất lớn trong cải cách pháp lý: "Nghị quyết đã xác lập chủ trương ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế đối với vi phạm trước khi xem xét đến giải pháp hình sự. Giải pháp hình sự chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp khắc phục kinh tế và bồi thường đã không đạt hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế".
Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp khu vực tư nhân an tâm trong quá trình vận hành, tránh việc hình sự hóa các sai phạm kinh tế không nghiêm trọng. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên thân thiện và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để khơi thông được những rào cản thì các doanh nghiệp tư nhân phải được tiếp cận các nguồn vốn một cách bình đẳng.
Khơi thông dòng vốn và tiếp cận tài nguyên
Một trong những rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp tư nhân khó phát triển chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực. Ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ: "Doanh nghiệp nhà nước được cấp vốn, doanh nghiệp FDI được bảo lãnh và có lãi suất thấp, trong khi doanh nghiệp tư nhân trong nước phải tự bơi, tự lo vốn với lãi suất cao".
Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết 68 đưa ra nhóm giải pháp quan trọng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương khuyến khích ngân hàng cho vay dựa trên dòng tiền thay vì tài sản thế chấp. Ông Đậu Anh Tuấn nhận định: "Đây là một thay đổi mang tính thực chất, bởi hầu hết các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đều thiếu tài sản bảo đảm nhưng lại có khả năng vận hành linh hoạt và dòng tiền ổn định".
Cùng với đó là việc khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng với cơ chế huy động theo hướng thị trường và mở hơn, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. "Các quỹ này phải có kênh huy động vốn mạnh hơn và vận hành theo cơ chế linh hoạt, nếu không sẽ không đủ lực để hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả", ông Tuấn nhấn mạnh.
Không chỉ có vốn, đất đai cũng là một điểm nghẽn cố hữu. Nghị quyết 68 yêu cầu các địa phương khi quy hoạch khu, cụm công nghiệp cần dành quỹ đất riêng cho doanh nghiệp tư nhân - điều chưa từng được xác lập rõ ràng trong các chính sách trước đây. Đồng thời, Việt Nam phải hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trong năm 2025 và thực hiện các giao dịch đất đai trên nền tảng trực tuyến. "Đây không chỉ là cải cách hành chính mà còn là cách tạo sân chơi minh bạch, giảm chi phí tiếp cận tài nguyên", ông Tuấn đánh giá.
Về công nghệ và dữ liệu (những tài nguyên mới của nền kinh tế số), Nghị quyết 68 tiếp nối tinh thần của Nghị quyết 57 với loạt ưu đãi thuế mạnh mẽ: Chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như đổi mới sáng tạo, được khấu trừ thuế lên tới 200%. "Đây là sự đầu tư cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa doanh nghiệp tư nhân bước vào những sân chơi công nghệ cao hơn, sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Tuấn nhấn mạnh.
Những định hướng này nếu được thực thi đồng bộ sẽ giúp khơi thông không chỉ dòng vốn mà cả hệ sinh thái tài nguyên cho khu vực tư nhân vốn năng động nay lại được tiếp sức một cách toàn diện.
Số lượng doanh nghiệp tăng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm.
Động lực từ mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân
Một trong những mục tiêu tham vọng và mang tính đột phá của Nghị quyết 68 là đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt 2 triệu doanh nghiệp và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 3 triệu. Đây không chỉ là một phép cộng đơn thuần về số lượng doanh nghiệp mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình của nền kinh tế tư nhân, từ chỗ bị coi là yếu thế, phân tán, đến việc trở thành động lực chủ chốt của nền kinh tế quốc dân.
Ông Đậu Anh Tuấn nhận định: "Việt Nam hiện có khoảng 960.000 doanh nghiệp, trong khi có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nếu chính sách thuế, kế toán và thủ tục kinh doanh được điều chỉnh theo hướng thân thiện hơn, nhiều hộ sẽ mạnh dạn chuyển đổi." Đây chính là điểm mấu chốt: chuyển đổi từ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp chính thức không chỉ là câu chuyện về mặt thủ tục, mà là quá trình nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân trong hệ sinh thái kinh tế quốc dân.
Việc đạt được mục tiêu này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm, tăng nguồn thu ngân sách và đưa nền kinh tế Việt Nam vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững. Đó còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành những mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất quốc tế.
Để đạt được con số đầy tham vọng này, cần sự đồng lòng từ cả Trung ương đến địa phương, từ cơ quan hoạch định chính sách đến doanh nghiệp thực thi, để cùng đưa kinh tế tư nhân Việt Nam lên một tầm cao mới.
Từ lời nói đến hành động: Khi chính sách bắt đầu có sức sống
Ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, Chính phủ đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai bằng các hành động cụ thể. Chỉ trong vài ngày, các nghị định hướng dẫn đã được soạn thảo và trình Quốc hội để sớm đi vào thực tiễn. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo đảm các chính sách của nghị quyết được thực hiện một cách hiệu quả, không chỉ dừng lại ở chủ trương. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ khâu hoạch định đến khâu thực thi.
Để Nghị quyết 68 thực sự trở thành động lực phát triển, điều quan trọng nhất vẫn là sự chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ. Theo ông Đậu Anh Tuấn: "Khi tư duy quản lý thay đổi, kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền kinh tế quốc dân bền vững và năng động".
Nghị quyết 68 đang mở ra một trang mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Tuy nhiên, cần cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quản lý các cấp cùng đồng hành với doanh nghiệp.Chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ thực sự cất cánh, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Hoàng Thu Trang