Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu phát triển kinh tế vùng, phát triển hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế. Đón đầu khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) khi hoàn thành, Tỉnh ủy đã và đang tháo gỡ những “điểm nghẽn” đầu tư đồng bộ kinh tế cửa khẩu (KTCK) để khơi thông con đường logistics, đưa Cao Bằng trở thành trung tâm giao thương của Việt Nam - ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc).
Mở “điểm nghẽn” tạo sự đồng bộ kết nối kinh tế cửa khẩu
Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Logistics bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu... Nội dung đột phá và trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh là phát triển KTCK, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế. Để có được kỳ vọng trên, theo Trưởng Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh Nguyễn Kiên Cường, Cao Bằng tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng của KTCK theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, Tà Lùng, một số lối mở cửa khẩu lợi thế khác… Phát triển dịch vụ hậu cần logistics; tổ chức sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Xây dựng cơ chế, chính sách giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa… tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi thu hút DN trong và ngoài nước đến giao thương.
Để gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, từ các nguồn lực của Chính phủ, thu hút đầu tư, đối ứng của địa phương, tỉnh đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành hàng chục dự án hạ tầng cơ sở tại Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh), Tà Lùng (Quảng Hòa), Lối mở Nà Lạn (Thạch An), Lối mở Thị Hoa, Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang), Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng)… Năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai 2 dự án trong kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cửa khẩu giai đoạn 2021 - 2025 tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa) và các khu vực lối mở Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An) để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cơ sở.
Đồng chí Phạm Văn Hoài, Trưởng Văn phòng Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa) cho biết: Hiện nay, Khu KTCK Tà Lùng thu hút 39 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 3.319 tỷ đồng. Trong đó, 28 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Từ đầu năm 2024 đến nay, kim ngạch XNK qua Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng đạt 422.766.939 USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 240.897.868 USD, kim ngạch nhập khẩu 115.427.805 USD.
Các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa).
5 nhóm điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu, nguồn lực cũng được HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực, xây dựng, ban hành các văn bản quản lý hoạt động khu KTCK, tạo hành lang pháp lý giúp việc quản lý nhà nước tại địa phương, như: Quyết định số 755/QĐ-UBND, ngày 24/6/2022 ban hành quy định quản lý theo quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK tỉnh đến năm 2040, Quyết định số 1120/QĐ-UBND, ngày 31/8/2023 ban hành bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư trong địa bàn khu KTCK, khu công nghiệp... và quy định mức thu, chế độ thực hiện thu, nộp phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cửa khẩu…
Công ty TNHH một thành viên Du Trọng Đại đầu tư dự án kho bãi bốc xếp và trung chuyển hàng hóa XNK tại Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh) trên tổng diện tích 2,6 ha. Quá trình thực hiện dự án, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng có nhiều cơ chế, chính hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị sớm hoàn thành dự án. “Nếu hạ tầng cơ sở các cửa khẩu được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện sẽ mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động XNK, thúc đẩy các DN quan tâm đầu tư vào cửa khẩu. Riêng đối với công ty tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để xây dựng và phát triển khu KTCK ngày càng đáp ứng được yêu cầu của ngành dịch vụ logistics” - ông Hoàng Chung Du, Giám đốc Công ty cho biết.
Theo đánh giá của các DN, hoạt động XNK hàng hóa thời gian qua đã có “điểm sáng”, nhưng chưa duy trì liên tục vì có nhiều yếu tố tác động, trước hết là chính sách thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc chưa tương đồng, thống nhất; do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phía nước bạn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 - “Zero Covid” làm hạn chế đáng kể hoạt động XNK hàng hóa. Mặt khác, theo quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-BCT, ngày 14/5/2020 của Bộ Công thương, từ ngày 1/1/2021 hoạt động nhập khẩu và tái xuất hàng hóa không được phép thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở, điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh của tỉnh, khó phát huy được thế mạnh.
Kỳ vọng về con đường logistics xuyên biên giới
Tháng 12/2023, tỉnh Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang lên cửa khẩu quốc tế, lãnh đạo hai bên xác định đây là khu KTCK quan trọng nằm trên tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế, từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại. Khu KTCK Trà Lĩnh là điểm đầu của tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ mở rộng cánh cửa nối giao thương Cao Bằng (Việt Nam) - ASEAN - Tây Nam (Trung Quốc). Giao thương qua khu KTCK này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao khi tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển nên kỳ vọng sẽ có nhiều DN, công ty hoạt động giao thương.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khẳng định: Chính phủ hai nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng sẽ vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi, phát huy lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa, đối ngoại giữa Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN. Quyết định số 295/QĐ-TTg, ngày 2/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu KTCK tỉnh đến năm 2040 đã định hướng phát triển các khu dịch vụ logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi tại tất cả các cửa khẩu, lối mở (tổng diện tích 380 - 400 ha). Theo đó, khu KTCK tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 4 phân vùng (vùng phía Đông, Tây, Nam, Bắc). Trong đó, mỗi phân vùng có một trung tâm KTCK chính, là những cực phát triển của phân vùng. Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Quốc lộ 3, Quốc lộ 4, Quốc lộ 34.
Hiện nay, một số dự án, công trình hoàn thành đầu tư đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao hoạt động logistics, tạo thuận lợi XNK hàng hóa, như: Dự án mở rộng đường vào Lối mở Nà Đoỏng Cửa khẩu Trà Lĩnh, kết nối với lối thông quan Nà Ráy (Trung Quốc); hệ thống giao thông chính và hạ tầng thiết yếu Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh góp phần tăng năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu; đầu tư xây dựng cầu Tà Lùng II, kết nối với lối thông quan Thủy Khẩu (Trung Quốc); vận hành Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Sóc Giang và Trà Lĩnh…
Xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu tập kết tại bến bãi Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa).
Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh tăng cường công tác xúc tiến, thu hút 25 dự án đầu tư để phát triển hạ tầng kho, bãi phục vụ hoạt động logistics vào khu KTCK với tổng vốn đăng ký 759,1 tỷ đồng. Từ năm 2021 - 2023, kim ngạch XNK hàng hóa đạt 2,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 6%/năm; thu ngân sách cửa khẩu 3.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 167%/năm.
Bà Linh Thị Xuân Huế, quản lý Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn - Cà phê ở thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) cho biết: Công ty đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan để xuất khẩu sang Trung Quốc, với công suất khoảng 600 tấn sản phẩm thành phẩm/năm. Kim ngạch xuất khẩu của công ty mỗi năm đạt gần 2 tỷ đồng. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tạo ra những “nút thắt” đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn, kéo theo hoạt động logistics cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, kinh tế đất nước dần phục hồi, các DN vẫn có cơ hội tốt để đầu tư phát triển hạ tầng logistics. Theo đó, thời gian tới, công ty tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.
Đồng quan điểm về phát triển dịch vụ logistics, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Quang Anh, có kho bãi tập kết hàng hóa tại Lối mở Nà Đoỏng, Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh) cho rằng: Cùng với sự nỗ lực của DN, tỉnh cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực đổi mới kết cấu hạ tầng logistics, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông, xây dựng trung tâm logistics phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế quốc gia và vùng. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về logistics và các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển của ngành; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua các hoạt động kết nối giao thương, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ.
Trưởng Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh Nguyễn Kiên Cường cho biết: Giao thương qua cửa khẩu còn nhiều tiềm năng, nhưng phải có bước đi chiến lược và cụ thể hơn. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh tham mưu xây dựng kêu gọi xúc tiến đầu tư vào khu KTCK; tìm vốn đầu tư hạ tầng KTCK đồng bộ; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nhất là duy trì việc trao đổi, hội đàm với các cơ quan quản lý nhà nước tương ứng phía Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nhằm tạo ra một cơ chế, chính sách và quản lý vận hành chung; có các chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng sự độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Ngoài ra, tại các vùng cửa khẩu tiếp tục tham mưu chủ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống logistics hạ tầng để phục vụ XNK các khu chế xuất.
Ban Quản lý Khu KTCK tỉnh đang tích cực triển khai thu hút đầu tư dự án khu trung chuyển tại Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (hạng mục quan trọng nhất trong phát triển KTCK). Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng khu KTCK tỉnh trở thành điểm trung chuyển kết nối hàng hóa giữa ASEAN - Trung Quốc - đường bộ quốc tế từ cảng Hải Phòng (Việt Nam) - Tây Nam Trung Quốc trong thời gian dự án cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng hoàn thành.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Phát triển mạnh thương mại nội địa gắn với đẩy mạnh XNK, chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, đồng bộ các trung tâm logistics gắn với các cửa khẩu quốc tế trở thành trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa. Từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Bài cuối: Lá chắn nơi phên dậu Tổ quốc
Trường Hà - Minh Hòa