Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khai mạc Hội thảo. (Ảnh: PV)
Hội thảo do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì với sự đồng chủ trì của các Thứ trưởng: Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Tú và sự tham dự của Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Nguyễn Quang Thái cùng Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức đảng, đoàn thể thuộc Bộ.
Về phía khách mời có Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Giang Hậu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Kim Yến và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Thị Hạnh.
Niềm vui rất lớn của những người làm công tác xây dựng, thi hành pháp luật
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, sáng cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể là Nghị quyết 66 và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và nghe giới thiệu, trao đổi một số những nội dung của các Nghị quyết do Quốc hội mới ban hành ngày 17/5. Bộ trưởng khẳng định, đây là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đối với Bộ, ngành Tư pháp,
Theo Bộ trưởng, thời gian triển khai việc xây dựng các văn bản triển rất nhanh với tinh thần rất quyết liệt và Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật cũng như đều khẳng định phải xác định đây là đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng nhắc lại, đúng ngày 30/4 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66. Còn ngày 17/5, Chính phủ đã ký Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và cũng ngày 7/5, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 197 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
“Như vậy, Bộ, ngành Tư pháp đã có ba Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Niềm vui rất lớn, anh em trong Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và những người làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong cả nước rất vui”, Bộ trưởng nói và cho rằng những người trực tiếp tham mưu đã nỗ lực vượt bậc xây dựng nên những văn bản này chắc là vui nhất.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đặc biệt để Bộ, ngành Tư pháp có thể xây dựng, ban hành được những nội dung Nghị quyết mang tính chất đột phá, có những cơ chế chính sách mang tính chất đặc biệt.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, mà trực tiếp là Vụ Tổng hợp của Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp luật và Tư pháp của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Đồng thời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ Tư pháp mà rất may mắn là có đồng chí nguyên Bộ trưởng bây giờ là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này và những cán bộ trực tiếp tham gia vào xây dựng những văn bản này cũng như những đồng chí khác dù không tham gia nhưng rất tích cực chia sẻ các công việc khác cùng với mọi người.
Bộ trưởng cũng ghi nhận những khó khăn, vất vả của những đơn vị trực tiếp tham gia như Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, nhất là khi tham mưu những vấn đề liên quan đến tài chính vừa nhạy cảm, vừa phức tạp mà lại chuyên môn rất sâu.
Hai việc quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn, Bộ trưởng cho rằng còn không ít lo lắng. Bởi tới đây, khối lượng công việc rất khổng lồ, có những việc Bộ, ngành Tư pháp chưa làm bao giờ và cần hết sức lưu ý như nhiệm vụ làm Thường trực của Ban Chỉ đạo, Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ngoài ra, có những việc mới hoàn toàn, khác với suy nghĩ lâu nay của Bộ, ngành Tư pháp là tập trung cho công tác xây dựng pháp luật theo đúng nghĩa xây dựng pháp luật. Bộ trưởng ví dụ, phải tìm ra điểm nghẽn trong bối cảnh hiện nay và Bộ, ngành Tư pháp phải có những phương án, cách thức xử lý khác với thông thường, thâm chí khác cả những gì đã được học. Nêu lại ý kiến của Tổng Bí thư về bộ tứ trụ cột hay Thủ tướng nói là bộ tứ chiến lược (gồm Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68), Bộ trưởng nhắc nhở, tất cả mọi việc phải triển khai đồng bộ, khẩn trương, phải làm cùng lúc rất nhiều việc.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, trong Bộ Tư pháp trước hết có hai việc phải hết sức lưu ý. Một là phải tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm. Hai là phải đổi mới tư duy hơn nữa.
Thu Hằng - Hoàng Thư