Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân - Bài 2: Giải 'cơn khát' vốn và mở rộng quỹ đất cho doanh nghiệp tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân - Bài 2: Giải 'cơn khát' vốn và mở rộng quỹ đất cho doanh nghiệp tư nhân
7 giờ trướcBài gốc
Dây chuyền thiết bị sản xuất tại Công ty Điện tử Hanel PT.
“Chìa khóa” mở ra những “cánh cửa” đang bị đóng...
Vấn đề vốn là vô cùng quan trọng đối với DN, nhất là DN mới khởi nghiệp. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế... khiến nhiều DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Sẻ chia với những khó khăn này của cộng đồng DN, ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội DN Trẻ Hà Nội (HANOIBA) cho hay: qua tiếp xúc nhiều, đi sâu, đi sát tình hình DN, tôi nhận thấy họ gần như không còn tài sản thế chấp để có thể vay vốn kinh doanh, làm ăn. Hiện nay, đa số DN nhỏ và vừa (DNNVV) dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng. Bản thân ngân hàng cũng rất muốn cho DN vay vốn nhưng họ vẫn phải tuân thủ pháp luật, phải bảo toàn về tài chính và phải có lợi nhuận, vì vậy DN nên đa dạng nguồn vốn.
“Trong điều kiện tiếp cận với nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc giảm các điều kiện cho vay đối với DNNVV bằng tín chấp, phương án trả nợ, kế hoạch kinh doanh khả thi, các cam kết, lịch sử giao dịch với các ngân hàng... mà Nghị quyết 68 đã đề ra sẽ hỗ trợ nguồn vốn tối ưu cho DN - đây là một việc làm rất có ý nghĩa, góp phần giải quyết bài toán về vốn mà DN vẫn đau đáu bấy lâu nay”, ông Minh nói.
Về phía DN, bà Nguyễn Thị Khuyên - CEO Công ty TNHH NASAKI Việt Nam chia sẻ: “Với chúng tôi, quỹ đất và nguồn vốn là “hai nút thắt cổ chai” trong nhiều năm qua. Việc Nghị quyết 68 mở ra định hướng tháo gỡ các rào cản trong tiếp cận đất đai, tín dụng và chính sách thuế là tín hiệu rất đáng mừng, nhất là khi chúng tôi đang muốn mở rộng nhà máy, tăng quy mô xuất khẩu và đầu tư vào công nghệ xanh. Những quy định mới này không chỉ là động lực mà còn là “cơ hội vàng” để DN nâng cấp mô hình hoạt động, tiếp cận các nguồn lực lớn hơn, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cao hơn”.
Bà Trần Thị Thu Trang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Hanel PT cũng cho hay: “Trong Nghị quyết 68, tôi đặc biệt đánh giá cao các cơ chế về quỹ đất ưu tiên cho DN khoa học và công nghệ mà chúng ta đang dự kiến làm như: Giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm; Khấu trừ 200% chi phí R&D, tín dụng xanh với lãi suất 2%/năm - những điều mà nhiều năm trước chúng tôi chỉ dám mơ ước”.
Chủ động, tận dụng các ưu đãi!
Cũng theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Hanel PT Trần Thị Thu Trang, cơ hội chỉ thành hiện thực nếu DN cũng chuyển hóa chính mình. Muốn vậy, các DN buộc phải: Minh bạch, chuyên nghiệp và sẵn sàng chứng minh hiệu quả đầu tư công nghệ; Biết hoạch định dài hạn, đầu tư nghiêm túc vào R&D, phát triển con người và quản trị chuẩn quốc tế; Chủ động tiếp cận chính sách, góp tiếng nói để chính sách ngày càng sát thực tế.
“Khi Nhà nước “mở đường” thì DN phải dấn thân. Và tôi tin rằng, nếu thực thi hiệu quả, Nghị quyết 68 sẽ là bước ngoặt lịch sử để hình thành một thế hệ doanh nhân Việt có khát vọng, đạo đức và bản lĩnh toàn cầu”, lời bà Trần Thị Thu Trang.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn UKG cũng cùng quan điểm khi cho rằng: “Các ưu đãi về quỹ đất, thuế và tín dụng là những yếu tố then chốt tác động trực tiếp đến chi phí vận hành, khả năng mở rộng và sức cạnh tranh của DN - đặc biệt là khu vực DNNVV. Khi chính sách được nới lỏng, thủ tục đơn giản hóa, đó không chỉ là sự “giải phóng áp lực tài chính”, mà còn là “chất xúc tác” để DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới và phát triển bền vững hơn!”.
Theo vị này, DN cần chủ động hơn nữa ở ba điểm: Thứ nhất, Theo sát chính sách, cập nhật kịp thời thông tin, DN phải coi việc nắm bắt chính sách như một phần trong chiến lược vận hành; Thứ hai, Minh bạch tài chính, chuẩn hóa hồ sơ: Nhiều chính sách ưu đãi về vốn hay thuế đều yêu cầu hồ sơ rõ ràng, báo cáo tài chính minh bạch. Đây là điểm mà nhiều DN còn yếu; Thứ ba, Tư duy chủ động - không chờ đợi. Chính sách là khung, nhưng DN phải là người “bật đèn xanh” để đi tiếp. DN cần chủ động tìm hiểu, đặt câu hỏi, đề xuất tháo gỡ và phối hợp chặt với các cơ quan chức năng để biến quy định thành lợi thế cụ thể cho DN mình.
Để tận dụng được cơ hội này, doanh nhân Nguyễn Thị Khuyên đưa ra lời khuyên: Các DN cần tập trung vào ba việc: Một là, chuẩn hóa hồ sơ pháp lý, tài chính để đủ điều kiện tiếp cận các ưu đãi: Đây là điểm yếu của nhiều DNNVV hiện nay; Hai là, tăng cường năng lực quản trị, chuyển đổi số và minh bạch thông tin, để tạo niềm tin với ngân hàng, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý; Ba là, chủ động cập nhật chính sách, tham gia đối thoại công - tư, thông qua các hiệp hội, câu lạc bộ DN để vừa hiểu rõ chính sách, vừa phản ánh khó khăn kịp thời.
Bà Trần Thị Thu Trang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Hanel PT:
“Tôi thực sự rất xúc động khi đọc Nghị quyết 68. Không chỉ bởi đây là chính sách, mà như một lời cam kết mạnh mẽ từ Đảng và Chính phủ dành cho DNTN, lực lượng đang đóng góp 50% GDP và gần 82% lao động cả nước...”.
Bà Nguyễn Thị Khuyên - CEO Công ty TNHH NASAKI Việt Nam:
“Là một doanh nhân khởi nghiệp từ con số 0, tôi thực sự xúc động và tràn đầy kỳ vọng khi Nghị quyết 68 được ban hành. Đây không chỉ là một thông điệp chính trị mà còn là một cam kết mạnh mẽ về hành động - rằng KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước và Nhà nước đang đồng hành để tháo gỡ rào cản, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn. Tôi tin rằng, khi chính sách thực sự đi vào cuộc sống và DN cũng chủ động thay đổi tư duy quản trị thì khát vọng phát triển đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không còn là điều xa vời, mà là một tương lai gần cho các DN Việt Nam”.
Đ.Trang - V.Hương
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/nghi-quyet-so-68-nqtw-cua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-bai-2-giai-con-khat-von-va-mo-rong-quy-dat-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-post548746.html