Nghị quyết 'về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với VĐV, HLV thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa' - yêu cầu từ thực tiễn

Nghị quyết 'về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với VĐV, HLV thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa' - yêu cầu từ thực tiễn
2 giờ trướcBài gốc
Đội tuyển Jujitsu đã giành được những thành tích ấn tượng, nổi bật nhất ở cả đấu trường quốc gia, châu lục và thế giới trong năm 2024 cho thể thao thành tích cao Thanh Hóa.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành kịp thời ban hành các chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao của tỉnh, góp phần động viên, khuyến khích các HLV, VĐV luôn yên tâm nỗ lực phấn đấu, cống hiến trong tập luyện và giành nhiều thành tích cao trong thi đấu, mang vinh quang về cho quê hương Thanh Hóa. Đặc biệt, qua 3 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc gần đây (lần thứ VII – năm 2014, thứ VIII – năm 2018 và lần thứ IX – năm 2022) Thể thao Thanh Hóa đã xuất sắc giành, giữ vị trí thứ IV tại đại hội. Thanh Hóa cũng là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng huy chương vàng, bạc, đồng giành được tại các giải thể thao trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế và đóng góp của Thanh Hóa đối với Thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic và các giải vô địch thế giới, châu lục và khu vực.
Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành, ngành khác, đặc biệt một số tỉnh, thành, ngành có cạnh tranh thứ hạng trên toàn quốc thì các cơ chế, chính sách đặc thù và chế độ đãi ngộ, thu hút HLV, VĐV tài năng về huấn luyện và thi đấu cho tỉnh còn hạn chế và vướng mắc. Hiện nay, một số tỉnh, thành trên cả nước đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Ninh Bình... Qua đó đã tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng, tình cảm, ý chí và nguyện vọng cống hiến của HLV, VĐV. Tại tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn từ năm 2012 đến 2023, các chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ, khuyến khích, thu hút trong và sau khi tập luyện, thi đấu, cống hiến đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh chưa được xây dựng, ban hành; đặc biệt là chế độ, chính sách đối với lực lượng HLV, VĐV tài năng, đã có nhiều thành tích và được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia, lực lượng này chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù. Do đó, chưa tạo động lực gắn bó, phấn đấu cho đội ngũ VĐV, HLV. Trên thực tế, đã có những VĐV, HLV tiêu biểu, xuất sắc được phát hiện, đào tạo tại tỉnh Thanh Hóa đã “rời bỏ quê hương” và đầu quân cho các đơn vị khác do không có sự thống nhất và còn nhiều vướng mắc về chế độ đãi ngộ và những lý do khác.
Trước kia, tỉnh Thanh Hóa đã có cơ chế đãi ngộ với các VĐV đạt thành tích cao, có nhiều đóng góp cho thể thao tỉnh nhà với hình thức cấp đất, tạo điều kiện chuyển sang làm công tác huấn luyện, đào tạo các tuyến VĐV năng khiếu, trẻ và đội tuyển. Điển hình như Lưu Văn Hùng (điền kinh), Lưu Thị Thanh (cầu mây), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo), Nguyễn Văn Hùng (Pencak Silat)... và nhiều trường hợp khác. Đây là giải pháp có tính kế thừa rất quan trọng để thể thao thành tích cao Thanh Hóa tiếp tục phát triển với sự gắn bó, cống hiến của các VĐV, HLV. Bên cạnh đó, chế độ khen thưởng cũng đã có nhiều đổi mới khi tổ chức tuyên dương, vinh danh, thưởng cho các VĐV, HLV giành thành tích cao tại các giải đấu lớn, các sự kiện thể thao quy mô như SEA Games, ASIAD, Olympic... Trong quá trình huấn luyện, các VĐV tài năng, giành được những thành tích nổi bật ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế đều được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đưa vào diện trọng điểm để có sự đầu tư đặc biệt, cử đi tập huấn ở nước ngoài, tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, hướng tới thành tích mới bứt phá hơn, nhất là đối với các bộ môn thuộc nhóm Olympic, ASIAD, các môn thế mạnh. Điển hình như các VĐV Quách Thị Lan (điền kinh), Phạm Thị Vân (bơi), Hoàng Thị Tình (judo), Lê Thị Hiền (Vovinam), Nguyễn Thị Hương, Phạm Ngọc Châm (taekwondo), Nguyễn Văn Lãm (xe đạp), Nguyễn Thị Thanh Trúc (Jujitsu)...
Song song với những kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa có các chế độ, chính sách đãi ngộ để giữ chân HLV, VĐV ở lại tiếp tục tham gia cống hiến, do vậy dẫn đến có một số HLV, VĐV dao động, đi tìm bến đỗ mới ở các đơn vị khác có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn. Thể thao Thanh Hóa có lực lượng VĐV đông so với một số tỉnh, thành của cả nước với 800 VĐV, tuy nhiên, lực lượng HLV còn đang thiếu, yếu ở một số bộ môn dẫn đến việc hàng năm các VĐV phải đi tập huấn ở các tỉnh ngoài còn nhiều.
Để phát triển thể thao thành tích cao một cách toàn diện, tạo động lực để các VĐV, HLV yên tâm cống hiến, các mức hỗ trợ dự kiến được đề xuất đáng chú ý như: Chi trợ cấp, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV giành HCV, HCB, HCĐ tại Thế vận hội Olympic lần lượt là 100 triệu đồng, 60 triệu đồng, 40 triệu đồng; Giải vô địch thế giới là 60 triệu đồng, 40 triệu đồng, 20 triệu đồng; tại Á vận hội ASIAD, giải vô địch châu Á là 40 triệu đồng, 25 triệu đồng, 15 triệu đồng; Đại hội Thể thao - SEA Games, giải vô địch Đông Nam Á - là 30 triệu đồng, 20 triệu đồng, 10 triệu đồng; Đại hội Thể thao toàn quốc, giải vô địch quốc gia là 12 triệu đồng, 7 triệu đồng, 5 triệu đồng... Đối với các môn bóng đá nam và bóng chuyền nữ, mức thưởng cũng tăng lên đối với thành tích vô địch, hạng nhì, hạng ba...
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp, phản biện, Nghị quyết “Về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV và người phục vụ HLV, VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa” sẽ được hoàn thiện và trình HĐND tỉnh thông qua để chính thức áp dụng. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng và là yêu cầu tất yếu để thể thao thành tích cao Thanh Hóa phát triển đúng hướng và bứt phá mạnh mẽ hơn.
Bài và ảnh: Mạnh Cường
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nghi-quyet-ve-mot-so-chinh-sach-khuyen-khich-ho-tro-doi-voi-vdv-hlv-the-thao-thanh-tich-cao-tinh-thanh-hoa-yeu-cau-tu-thuc-tien-227102.htm