Người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu - bà Kaja Kallas cho biết, gói trừng phạt thứ 18 là bước đi cứng rắn nhất của EU trong những năm gần đây, có thể gây tác động nặng nề tới nền kinh tế Nga.
Nội dung chính của gói trừng phạt bao gồm hạ giá trần dầu thô của Nga xuống còn 47,6 USD một thùng, cấm các giao dịch liên quan đến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2.
Bên cạnh đó, EU còn áp lệnh trừng phạt với 105 tàu chở dầu mới thuộc "hạm đội bóng tối", cấm hoàn toàn các giao dịch tài chính với 22 ngân hàng và Quỹ đầu tư trực tiếp (RDIF) của Nga.
Mặc dù bước đi trên là rất cứng rắn nhưng trong nước Nga đã xuất hiện ý kiến cho rằng gói trừng phạt mới chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và người dân châu Âu, trong khi Moskva đã thích nghi với tình hình.
Điển hình như đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Yuri Nesterenko nói rõ chính sách trừng phạt của EU chủ yếu ảnh hưởng đến công dân châu Âu, trong khi nền kinh tế Nga và các doanh nghiệp đã tái cấu trúc để thích ứng với điều kiện mới.
Theo ông Nesterenko, việc thông qua gói trừng phạt thứ 18 là một bước đi liều lĩnh, sẽ khiến Liên minh châu Âu sẽ phải hối tiếc.
Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố lệnh trừng phạt không đạt được mục tiêu làm suy yếu nền kinh tế Nga, Moskva tiếp tục tìm cách lách các hạn chế bằng cách thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE.
Gói trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quân sự của Nga. Đáng kể nhất là giá trần dầu thô đã được hạ từ 60 USD xuống còn 47,60 USD/thùng, khi EU tìm cách điều chỉnh cho phù hợp với thị trường hiện nay.
Giá dầu thô Ural của Nga trung bình ở mức 58,9 USD/thùng vào tháng 6/2025, khiến mức giá trần mới trở nên khắt khe hơn. Ngoài ra EU cũng đưa ra cơ chế xem xét giá linh hoạt 6 tháng một lần để duy trì áp lực đối với doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga.
Lệnh cấm đối với tuyến ống Nord Stream không bao gồm hoạt động bảo trì và vận hành, EU còn cho biết sẽ ngăn chặn bất kỳ việc sử dụng đường ống nào trong tương lai. Lệnh trừng phạt đối với 105 tàu chở dầu mới cũng đã nâng tổng số tàu bị trừng phạt lên con số 444.
Gói trừng phạt mới còn gây ảnh hưởng nặng nề đến 22 ngân hàng Nga, bao gồm T-Bank và Surgutneftegazbank, cũng như Quỹ đầu tư trực tiếp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính của Nga.
Liên minh châu Âu phối hợp với Mỹ và Anh cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và UAE bị cáo buộc giúp Nga vượt qua các biện pháp trừng phạt.
Lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ từ nước thứ 3, được chế xuất từ dầu thô của Nga, ngoại trừ Na Uy, Mỹ, Canada và Anh, nhằm hướng đến giảm doanh thu của Moskva từ lĩnh vực năng lượng, vốn chiếm 1/3 ngân sách nước này.
Đáng chú là Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen muốn hạ trần giá dầu Nga xuống còn 45 USD/thùng, nhưng trước nguy cơ giá dầu thế giới tăng cao do tình hình Trung Đông bất ổn mà con số cuối cùng được đưa ra là 47,6 USD.
Nga cũng bày tỏ thất vọng khi hai quốc gia từng được xem là "đồng minh" bao gồm Hungary và Slovakia đã thông qua gói trừng phạt mới, sau khi được EU cam kết đảm bảo an ninh năng lượng.
Việt Dũng
Theo Avia/Reporter