Xử nghiêm vi phạm hành lang an toàn giao thông
Một trong những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam chất vấn trong nhiều kỳ họp gần đây là tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông. Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri kiến nghị tại các cuộc TXCT của đại biểu HĐND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải: hiện nay, một số địa phương thuộc các huyện Lý Nhân, Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên… có tình trạng để biển quảng cáo, buôn bán hàng hóa, họp chợ cóc trái phép lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an toàn giao thông. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết trách nhiệm, giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này?
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trương Quốc Bảo thẳng thắn nhận trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành. Lý giải nguyên nhân, ông Bảo cho rằng, có nhiều bấp cập trong quy hoạch mạng lưới chợ và hệ thống hành lang an toàn giao thông; có trường hợp có chợ nhưng người dân vẫn không vào chợ họp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn nhiều hạn chế nên ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Khắc phục tình trạng này, ngành giao thông vận tải và các địa phương sẽ phối hợp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước, xử lý nghiêm những vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Đại biểu Phạm Thị Thu Giang chất vấn về lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Ảnh: Thu Thảo
Cùng với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, lãnh đạo một số địa phương liên quan cũng tham gia giải trình, trong đó khẳng định đã tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm nhằm giảm thiểu hành vi vi phạm. Các địa phương cũng cam kết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị ngành giao thông vận tải và lãnh đạo các địa phương rà soát lại quy hoạch mạng lưới chợ, hệ thống hành lang an toàn giao thông trên địa bàn để có giải pháp tăng cường quản lý, xử lý; đồng thời, các ngành cũng phải tăng cường phối hợp khắc phục, xử lý triệt để vấn đề đã được đại biểu nêu.
Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, có 4 đại biểu chất vấn về 5 nội dung, trong đó có nội dung tái chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT). Trong đó, đại biểu Phạm Thị Thu Giang chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục do khí thải từ một số nhà máy sản xuất trong các KCN, như: Đồng Văn III; Nhà máy sản xuất dây đồng KCN Đồng Văn IV; sản xuất giấy, chế biến thức ăn gia súc trong KCN Châu Sơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo đại biểu Giang, vấn đề này đại biểu HĐND đã chất vấn, cơ quan chức năng đã đưa ra các cam kết, giải pháp xử lý, khắc phục và có báo cáo kết quả giải quyết là kiểm tra thông số kỹ thuật khí thải bảo đảm yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế cử tri vẫn thường xuyên phản ánh, nên cần được nghiêm túc kiểm tra, giải quyết triệt để.
Trả lời về giải pháp của ngành để xử lý triệt để tình trạng trên, Giám đốc Sở TN - MT Phạm Chí Thống khẳng định, Ban Quản lý các KCN là đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN. Các doanh nghiệp trong KCN đã được Ban Quản lý các KCN phê duyệt hồ sơ về môi trường, đầu tư lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải, nước thải theo quy định.
“Để khắc phục tình trạng cử tri phản ánh và đại biểu nêu, đề nghị chủ đầu tư hạ tầng các KCN tăng cường theo dõi công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN, có phương án xử lý theo quy chế bảo vệ môi trường đã được thống nhất, ban hành; đồng thời, báo cáo về các cơ quan quản lý để theo dõi, xử lý theo quy định”; ông Thống cũng khẳng định, Sở TN - MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BQL các KCN, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trong KCN. Kiến nghị Bộ TN - MT kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với chất vấn của đại biểu Ứng Thị Đảm về công tác quản lý đất đai; tham mưu thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị, thành phố, Giám đốc Sở TN - MT cho biết: năm 2024, sau khi UBND cấp huyện hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở các quy định pháp luật đất đai và các quy định liên quan, Sở đã tham mưu thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố, thị xã. Theo quy định của pháp luật đất đai, UBND cấp huyện tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả, đến nay có 4 đơn vị đã hoàn thành đã được phê duyệt, 2 đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở cũng đã hướng dẫn và đôn đốc các huyện khẩn trương hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất năm 2025 gửi về Sở thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12.2024.
Đào Cảnh