Nghi vấn từ vụ chiến đấu cơ của Nga bốc cháy ở căn cứ quan trọng – Kỳ 1

Nghi vấn từ vụ chiến đấu cơ của Nga bốc cháy ở căn cứ quan trọng – Kỳ 1
6 giờ trướcBài gốc
Màn sương mù bao quanh một thông tin gây tranh cãi
Su-30SM của không quân Lkên bang Nga. Ảnh: RBTH
Theo các quan chức Ukraine, vụ việc là kết quả của một phong trào “kháng chiến” chưa xác định chống lại chính phủ Liên bang Nga, dù không có bằng chứng trực tiếp cho thấy lực lượng Ukraine đứng sau. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga vẫn giữ im lặng, không xác nhận cũng không phủ nhận vụ việc.
Trong khi đó, một số nguồn tin Liên bang Nga, bao gồm cả trang tin chuyên về hàng không Avia.pro, cho rằng vụ việc có thể liên quan đến một chiếc Su-27 đã ngưng sử dụng thay vì chiếc Su-30SM hiện đại, làm dấy lên nghi vấn liệu sự kiện này có bị dàn dựng hay đưa tin sai lệch.
Việc thiếu thông tin xác thực và những tường thuật mâu thuẫn khiến các nhà quan sát bối rối về những gì thực sự đã xảy ra tại một trong những cơ sở quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Liên bang Nga – và điều đó có ý nghĩa gì đối với an ninh đối với lực lượng không quân của nước này.
Căn cứ Rostov-on-Don, nằm ở tỉnh Rostov của Liên bang Nga gần biên giới Ukraine, là trung tâm then chốt cho các hoạt động không quân của Liên bang Nga. Với vị trí gần vùng chiến sự, đây là nơi chiến lược quan trọng, chứa nhiều loại máy bay quân sự và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Nếu thông tin về việc phá hủy một khí tài quân sự giá trị cao như Su-30SM được xác nhận, đó sẽ là một tổn thất đáng kể đối với năng lực không quân Liên bang Nga. Tình báo quân sự Ukraine (GUR) cũng nhắc lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng, và đăng tải trên mạng xã hội X rằng chiếc máy bay mang số hiệu “35” đã bị thiêu rụi thành tro.
Một người dùng trên X, @kromark, trích dẫn hình ảnh vệ tinh Sentinel được cho là cho thấy một vết cháy mới tại căn cứ, không xuất hiện trên ảnh chụp cách đó 5 ngày, phần nào củng cố cho tuyên bố của phía Ukraine. Tuy nhiên, khi chưa có xác nhận chính thức từ Liên bang Nga hay kiểm chứng độc lập, vụ việc vẫn chìm trong màn sương mù của sự mập mờ.
Chiếc Su-30SM, trung tâm của câu chuyện này, là xương sống trong lực lượng không quân hiện đại của Liên bang Nga. Được Sukhoi phát triển, Su-30SM là máy bay tiêm kích đa năng hai chỗ ngồi, hai động cơ, được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và đánh hạm.
Được đưa vào sử dụng trong quân đội Liên bang Nga từ năm 2012, Su-30SM là biến thể nâng cấp của dòng Su-30, tích hợp hệ thống điện tử, radar và vũ khí hiện đại hơn. Radar N011M Bars-R của Su-30SM có thể theo dõi nhiều mục tiêu ở khoảng cách hơn 160 km, trong khi động cơ có vector lực đẩy giúp máy bay cực kỳ linh hoạt.
Máy bay này có thể mang tới 8 tấn vũ khí, bao gồm bom dẫn đường chính xác, tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm, khiến Su-30SM trở thành một nền tảng đa dụng, đã được sử dụng rộng rãi tại Syria và Ukraine. Chi phí ước tính khoảng 50 triệu USD phản ánh cả công nghệ tiên tiến lẫn khoản đầu tư lớn vào đào tạo và bảo trì.
Ngược lại, Su-27 – mẫu máy bay mà một số nguồn Liên bang Nga cho rằng mới là chiếc bị phá hủy – là thiết kế cũ hơn, được Liên Xô đưa vào sử dụng từ những năm 1980, từng là đối thủ trực tiếp của F-15 Eagle của Mỹ.
Tuy nhiên, Su-27 thiếu các hệ thống điện tử hiện đại và khả năng đa nhiệm như Su-30SM. Radar, thiết bị điện tử và khả năng mang vũ khí của Su-27 cũng kém hơn. Dù Liên bang Nga vẫn vận hành một số biến thể nâng cấp như Su-27SM3, nhiều khung thân đã bị loại biên hoặc chuyển sang đóng vai trò phụ trợ.
Nếu chiếc máy bay bị phá hủy thực chất là Su-27 như Avia.pro cho rằng, thì tổn thất sẽ ít nghiêm trọng hơn về mặt tác chiến, và điều này có thể cho thấy nỗ lực nhằm giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ việc hoặc thậm chí là dàn dựng vì mục đích tuyên truyền.
Những tranh cãi về thân phận của chiếc máy bay cho thấy thách thức lớn hơn trong việc đánh giá vụ việc – đó là “màn sương thông tin” của chiến tranh tuyên truyền. Các nguồn tin Ukraine, bao gồm GUR và nhiều bài đăng trên X, nhanh chóng mô tả đây là một hành động phá hoại thành công, cho thấy điểm yếu trong hệ thống quân sự Liên bang Nga.
Ví dụ, tài khoản @ukrpravda_news trên X cho rằng vụ phá hủy này là dấu hiệu cho thấy phong trào “kháng chiến” trong nội địa Liên bang Nga đang lớn mạnh, dù chưa có bằng chứng cụ thể để chứng minh. Trong khi đó, các kênh truyền thông Liên bang Nga như Avia.pro lại hoài nghi và đặt câu hỏi liệu sự kiện có thực sự xảy ra như mô tả hay có liên quan đến máy bay đắt tiền hay không.
Việc thiếu bằng chứng hình ảnh – như ảnh chụp hay video máy bay bốc cháy – càng khiến việc xác thực sự thật trở nên khó khăn. Hình ảnh vệ tinh được nhắc đến trên X là một manh mối thú vị, nhưng hiện vẫn chưa được công bố công khai để các bên độc lập phân tích.
Nếu tuyên bố của Ukraine là chính xác, việc một chiếc Su-30SM bị phá hủy tại Rostov-on-Don sẽ đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về an ninh của các căn cứ không quân Liên bang Nga. Máy bay chiến đấu hiện đại dễ bị tổn thương nhất khi đậu trên mặt đất – nơi chúng có thể trở thành mục tiêu của phá hoại, tấn công bằng thiết bị bay không người lái hoặc các hình thức chiến tranh phi đối xứng khác.
Các căn cứ như Rostov-on-Don thường được trang bị hệ thống phòng thủ nhiều lớp, bao gồm an ninh chu vi, phòng không và giám sát. Một cuộc tấn công thành công – dù là hành động phá hoại như Ukraine gợi ý hay hình thức khác – sẽ cho thấy lỗ hổng trong những lớp bảo vệ đó.
Khả năng có “nội gián” như câu chuyện “kháng chiến” ngụ ý cũng là một yếu tố đầy bí ẩn. Liệu có những người bất mãn trong nội bộ hoặc lực lượng địa phương đã lợi dụng điểm yếu trong an ninh căn cứ? Dù chưa có bằng chứng cụ thể, giả thuyết này cho thấy khó khăn trong việc bảo vệ tài sản giá trị cao tại khu vực bất ổn.
Sự việc cũng khiến người ta liên tưởng đến các cuộc tấn công trước đó vào căn cứ không quân Liên bang Nga. Gần đây, lực lượng Ukraine ngày càng nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Liên bang Nga bằng drone tầm xa và hoạt động phá hoại.
Chẳng hạn, vào ngày 9/4/2025, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết họ đã đánh chặn 158 thiết bị bay không người lái Ukraine tại nhiều khu vực, bao gồm cả tỉnh Rostov, dù vẫn có tiếng nổ được ghi nhận trong vùng, theo Kyiv Post. Trước đó, theo Newsweek, vào ngày 20/3/2025, Ukraine tuyên bố đã thực hiện một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lá vào căn cứ không quân Engels-2 ở Saratov – nơi đóng quân của các máy bay ném bom chiến lược.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nghi-van-tu-vu-chien-dau-co-cua-nga-boc-chay-o-can-cu-quan-trong-ky-1-20250425205634578.htm