Đại diện cán bộ, công nhân viên, người lao động, thanh niên, phụ nữ, Công an huyện Chư Sê diễu hành hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ trên các trục đường chính của thị trấn Chư Sê. Ảnh: Đinh Yến
Tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2025 tổ chức ở Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 25 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn lao động (TNLĐ).
Dịp này, tổ chức Công đoàn cũng trao quà cho 185 đoàn viên, người lao động. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã tổ chức khám, tầm soát ung thư vú miễn phí cho 200 nữ đoàn viên và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho nhiều đoàn viên, người lao động.
Vì sức khỏe và tính mạng của công nhân, lao động, vì sự an toàn xã hội, dư luận hướng sự quan tâm đến việc người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; tổ chức Công đoàn thực sự là nơi tập hợp, là đại diện cho quyền và lợi ích của người lao động. Trên hết, người lao động được làm việc trong môi trường thuận lợi, đảm bảo điều kiện an toàn về tính mạng và sức khỏe.
Theo từ điển Tiếng Việt, “an toàn” là yên ổn, loại trừ nguy hiểm hoặc tránh được sự cố. Còn với từ điển pháp luật, “an toàn” được hiểu là trạng thái mà con người, thiết bị, môi trường được bảo vệ, phòng-chống những tác nhân nguy hại có thể phát sinh hoặc tiềm ẩn do các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong cuộc sống. “An toàn lao động” là giải pháp phòng-chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (cũ), năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ TNLĐ (tăng 892 vụ, tương ứng 12,1% so với năm 2023), làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người, tương ứng 12,2% so với năm 2023). Tai nạn lao động gây tổng thiệt hại về vật chất hơn 42.560 tỷ đồng. Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2024 là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Phước, Long An, Thái Bình.
Hàng năm, tại Gia Lai cũng xảy ra trên dưới chục vụ TNLĐ, làm chết và bị thương hàng chục người. Cũng như nhiều nơi, TNLĐ ở tỉnh chiếm tỷ lệ lớn trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là xây dựng dân dụng.
Để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ, giải pháp không gì khác là các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động cần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về ATVSLĐ. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ. Ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Từ yêu cầu của Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân 2025, người viết không thể không chú ý 2 chữ “an toàn” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay. Chúng ta chủ trương và kiên trì thực hiện mục tiêu thể chế xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc đảm bảo an toàn trên nhiều phương diện: ATVSLĐ, an toàn cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an toàn xã hội, an toàn an ninh mạng…
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít lĩnh vực/vấn đề hiện đang mất an toàn, gây nhiều lo ngại và bức xúc từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhiều vụ va chạm, xích mích trong cuộc sống vốn dĩ nhỏ nhặt, bình thường lại hoàn toàn có thể dẫn đến xô xát, đánh nhau, đâm chém…, làm mất trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật, thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc.
Đối diện với nạn lừa đảo, tống tiền, đe dọa, không ít người tỏ ra lo sợ, hạn chế tiếp xúc, không chờ ngành chức năng khuyến cáo. Thêm vào đó, hàng loạt loại thuốc, thực phẩm chức năng, sữa giả, kém chất lượng bị phát hiện trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều loại dùng cho trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người già, người bệnh... Rồi lòng xe điếu dài đến 40 m quảng cáo ở Hà Nội mà giới chuyên môn hồ nghi là hàng giả, sử dụng phụ gia, chất cấm… nghe mà không khỏi hãi hùng. Thực tế là vậy nhưng phân tích nguyên nhân và quy trách nhiệm vẫn... khó, vẫn còn gây tranh cãi, chưa thể làm hài lòng dư luận.
Vì sao như vậy và phải làm gì để ngăn chặn, giảm thiểu? Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là “khối u” tật nguyền của cơ chế thị trường còn chưa được bóc tách, chữa trị hữu hiệu. Mặt trái của cơ chế này khiến con người trở nên thực dụng, tham lam, sa ngã, coi đồng tiền và quyền lực là trên hết, chứ không phải công lý, sự thật, lòng tự trọng và sĩ diện cần có.
Mặt khác, dù pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng, song vấn đề thừa hành và tuân thủ cũng còn nhiều kẽ hở, chưa được khắc phục, chấn chỉnh. Bên cạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thiếu thường xuyên và nghiêm khắc.
Vai trò giáo dục, rèn luyện của tổ chức, gia đình, cơ quan, đơn vị, cùng sự tự giác tự thân học hỏi, rèn luyện để tiến bộ, trưởng thành của bản thân mỗi người chưa được chú trọng đầy đủ. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tẩy chay, cách ly với những thói hư tật xấu, những điều sai trái trong xã hội để giáo dục, răn đe… cũng chưa thể hiện đầy đủ.
Tháp nhu cầu Maslow mô tả theo hình kim tự tháp với 5 nhu cầu cơ bản nhất, thứ tự từ thấp lên cao gồm: nhu cầu sinh lý (ăn, uống, thở…), an toàn, giao lưu/xã hội hóa, khẳng định giá trị bản thân, dẫn dắt/soi đường.
Ngày nay, với sự tiến bộ về nhiều mặt, đa số nội dung trong tháp nhu cầu nói trên có sự thay đổi, bổ sung và “xuyên thấm” lẫn nhau. Tuy nhiên, nhu cầu an toàn vẫn thể hiện tính “chân thật khách quan” thiết thân của con người. Nó là nhu cầu tự thân, từ an toàn mới có điều kiện để phấn đấu tiến lên đạt được những yêu cầu cao hơn trong đời sống mỗi người.
THẤT SƠN