Nghịch lý 'phim rác' vẫn có nhiều người xem

Nghịch lý 'phim rác' vẫn có nhiều người xem
một ngày trướcBài gốc
Trong 4 tháng đầu năm 2025, làng phim Hoa ngữ trải qua một thực tế tréo ngoe: phim hay thì thất bại, phim tệ lại lên ngôi. Theo thống kê từ Sohu, chỉ có Sand Storm đạt điểm Douban trên 8.0 (nền tảng đánh giá phim uy tín hàng đầu Trung Quốc) nhưng lại thua thảm về mặt thương mại hay tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trái lại, hàng loạt tác phẩm bị chê bai nặng nề vẫn thu hút đông đảo người xem, gây nên một hiện tượng khiến giới làm nghề và khán giả chân chính ngán ngẩm.
Vậy điều gì đang xảy ra? Tại sao người xem vẫn “cắn răng” theo dõi những bộ phim bị gọi là “rác”?
Top 5: Cuộc sống tươi đẹp
Diễn viên: Tôn Lệ, Đổng Tử Kiện
Tôn Lệ vẫn luôn là "nữ hoàng phim truyền hình", gương mặt bảo chứng cho chất lượng tác phẩm. Trong Cuộc sống tươi đẹp, cô vào vai một nhân vật giàu chiều sâu, sống động và đầy xúc cảm. Tuy nhiên, sức mạnh cá nhân của cô không thể cứu vãn nổi một kịch bản phi lý đến độ nực cười.
Nhân vật nam chính Tiết Tiểu Châu (Đổng Tử Kiện thủ vai) - người đàn ông khốn đốn về tài chính, nuôi mẹ già liệt giường lại luôn rảnh rỗi để nổi cáu và thể hiện cái tôi thái quá, bất chấp thực tế.
Cốt truyện càng lúc càng lệch hướng với cú twist “drama” phi lý: chồng cũ của nữ chính ngoại tình với mẹ kế của nam chính. Một cư dân mạng đã bình luận chua chát: “Dù Tôn Lệ có diễn xuất tốt đến đâu thì cốt truyện vẫn như được viết bằng chân vậy!”.
Top 4: Ô Vân Chi Thượng
Diễn viên: Tôn Lệ, La Tấn, Lý Tiểu Nhiễm
Một bộ phim hình sự nhưng lại thiếu cả nhịp độ, kịch tính lẫn logic tối thiểu. Nhân vật của Tôn Lệ - một cảnh sát lại mang thần thái uể oải và lối hành xử thiếu chuyên nghiệp. Cốt truyện rời rạc, không tạo được cảm giác hồi hộp dù là phim trinh thám.
Điều đáng tiếc là với một dàn diễn viên tốt, bộ phim lại không tạo được bất kỳ giá trị nào ngoài sự thất vọng. Theo Sohu, tác phẩm là một bước thụt lùi đáng kể về mọi mặt khi so sánh với Sand Storm.
Top 3: Bảng Thượng Giai Tế
Diễn viên: Vương Tử Kỳ, Lư Dục Hiểu
Hai diễn viên chính được đánh giá cao về khả năng nhập vai và phản ứng hóa học. Thế nhưng phần sản xuất lại quá nghiệp dư: nhịp phim rối rắm, quay phim lộn xộn như người mới tập tành, đạo cụ và phục trang thì rẻ tiền đến mức phản cảm.
Cảm giác chung là lãng phí tài nguyên nhân lực chỉ vì thiếu tâm và tầm từ đội ngũ sản xuất. Một ví dụ điển hình cho việc “diễn viên không thể gánh cả ekip làm phim bằng cảm xúc của mình”.
Top 2: Hoài Thủy Trúc Đình
Diễn viên: Lưu Thi Thi, Trương Vân Long
Sau thời gian sinh con, Lưu Thi Thi tái xuất với gương mặt xinh đẹp không tì vết. Tuy nhiên, nữ diễn viên lại bị chê “thiếu sức sống” và mang năng lượng buồn bã nặng nề. Tư thế cứng nhắc, biểu cảm uể oải khiến nhân vật của cô không thể tỏa sáng.
Đặc biệt là khi so sánh với các bạn diễn cùng thời như Đường Yên - người vẫn rạng rỡ và cuốn hút trong từng khung hình.
Một bộ phim cổ trang thiếu hồn, khi người diễn chính lại giống như người chỉ đang "làm việc cho xong".
Top 1: Nửa sau cuộc đời tôi
Diễn viên: Trương Quốc Lập, Đồng Đại Vĩ, Mai Đình
Bộ phim khiến khán giả “nổi da gà” với chuỗi các tình tiết như… lên cơn động kinh. Một giáo sư già yêu bốn người sau khi vợ mất, con trai ngoại tình, con dâu làm nghề trong bóng tối. Tờ Sohu nhận xét, tất cả như một bản biếm họa méo mó về đạo đức, nơi kịch bản chạy đua với sự quá đà.
Khán giả không phản đối những kịch bản gai góc, nhưng cái họ cần là chiều sâu chứ không phải chỉ là loạt tình huống giật gân, đẩy bi kịch đến mức ngớ ngẩn.
Vì sao những bộ phim "rác" vẫn được ưa chuộng?
Có ba lý do chính để lý giải cho nghịch lý này:
1. Sự dễ dãi trong khẩu vị đại chúng
Một bộ phận khán giả hiện nay xem phim như cách ta ăn mì gói - nhanh, tiện, no là được, không cần phải quá ngon. Cảm xúc dễ dãi khiến họ chấp nhận cả những kịch bản nhạt nhẽo, phi lý chỉ để giết thời gian. Thị hiếu bị pha loãng, thói quen tiêu thụ văn hóa kiểu "xem gì cũng được" đang giết tiêu chuẩn thưởng thức nghệ thuật chân chính.
2. Hiệu ứng ngôi sao
Sức hút của tên tuổi vẫn là con bài lợi hại trong tay các nhà sản xuất. Dù nội dung rệu rã, chỉ cần có sự xuất hiện của một ngôi sao hạng A, lượng người xem vẫn đủ để lọt top xu hướng. Đó là lý do vì sao nhiều dự án "thảm họa" vẫn hút hàng triệu lượt xem.
3. Thiếu lựa chọn
Trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến ồ ạt phát hành các sản phẩm công nghiệp, lười biên kịch, nhạt nhòa cốt truyện, khán giả bị đặt vào thế không có nhiều lựa chọn. Từ chỗ xem vì thích, nay họ xem vì chẳng còn gì tốt hơn để chọn. "Phim dở" dần trở thành chuẩn mới, một hiện tượng bi hài của thời đại.
Xuân Dung
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/dien-anh/nghich-ly-phim-rac-van-co-nhieu-nguoi-xem-202504302349481804.html