Nghiêm cấm dùng AI trong dịch và xuất bản văn học

Nghiêm cấm dùng AI trong dịch và xuất bản văn học
8 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Kể từ cuối năm 2024 cho đến nay, một điểm mới xuất hiện đồng loạt trong các hợp đồng bản quyền quốc tế khiến giới xuất bản Việt Nam không thể bỏ qua: đó là nghiêm cấm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình dịch và biên tập tác phẩm văn học. Thông tin này được bà Hoàng Thanh Vân, Giám đốc ANA - một đơn vị chuyên giao dịch bản quyền quốc tế tại Hà Nội - chia sẻ từ chính những chuyến công tác tại các hội sách lớn ở châu Âu.
Theo bà Vân, hầu hết nhà xuất bản phương Tây hiện đều yêu cầu ghi rõ ràng trong hợp đồng rằng không được sử dụng AI để dịch hoặc biên tập tác phẩm. Nếu có áp dụng AI vào bất kỳ công đoạn nào - dù chỉ là marketing - đơn vị sách bắt buộc phải báo cáo minh bạch, xin ý kiến và được sự đồng ý bằng văn bản từ phía tác giả và đối tác.
Giới bản quyền thêm nhiều điều khoản về AI
Khi làn sóng AI bùng nổ lo ngại về vấn đề vi phạm bản quyền bắt đầu nổi lên, đặc biệt là các tác phẩm văn học. Một số người trong ngành cho rằng việc sử dụng AI để dịch thuật có thể làm xói mòn giá trị của lao động sáng tạo. Do đó, các nhà xuất bản đã thêm những điều khoảng về AI vào trong hợp đồng giao dịch bản quyền của mình với đối tác quốc tế.
Bà Hoàng Thanh Vân cho biết: “Lúc đầu các đơn vị chỉ là yêu cầu báo cáo nếu có dùng AI, nhưng đến giữa năm 2024, điều khoản đã được siết chặt hơn, chuyển thành lệnh cấm toàn diện trong khâu dịch và biên tập”. Vị chuyên gia bản quyền này cũng khẳng định nếu một đơn vị xuất bản không tuân thủ quy định này, họ có thể bị hủy hợp đồng, thậm chí bị đưa vào danh sách đen và mất quyền giao dịch với các nhà xuất bản quốc tế trong tương lai.
Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền tại Công ty Nhã Nam - chia sẻ tại sự kiện ra mắt tác phẩm Cuốn sách Hoang dã. Ảnh: Đức Huy.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền tại Công ty Nhã Nam - chia sẻ rằng các hội sách gần đây như Frankfurt và London đều đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề AI trong hàng chục buổi hội thảo chuyên đề. “Các nhà xuất bản và tác giả đều thống nhất quan điểm: AI không thể thay thế con người trong dịch văn học, nơi cảm xúc, sắc thái và ngữ nghĩa phải được truyền tải bằng kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân”, ông Minh nói.
Theo ông, khác với báo chí hay tài liệu kỹ thuật - nơi AI có thể hỗ trợ phần nào - thì trong văn học, việc chọn một từ xưng hô phù hợp thôi cũng đòi hỏi sự thấu cảm và sáng tạo mà AI chưa thể đạt đến.
Việc bổ sung các điều khoản chặt chẽ về AI phản ánh sự cảnh giác cao độ của ngành xuất bản toàn cầu trước sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Đồng thời, nó cũng đặt ra thách thức lớn cho các đơn vị làm sách tại Việt Nam khi tham gia thị trường bản quyền quốc tế. Bởi lẽ, chỉ một sai phạm nhỏ trong việc sử dụng AI mà không khai báo có thể khiến đối tác nước ngoài đơn phương chấm dứt hợp đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động xuất nhập khẩu bản quyền của doanh nghiệp.
AI vẫn chưa đủ khả năng dịch tác phẩm văn học
Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng xâm nhập sâu vào ngành dịch thuật, nhiều người kỳ vọng đây sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt trong việc rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, theo chia sẻ của những người trong ngành xuất bản và dịch thuật, AI vẫn còn rất nhiều điểm yếu khi đối diện với một lĩnh vực đòi hỏi chiều sâu cảm xúc và sự tinh tế như dịch tác phẩm văn học.
Chị Hoàng Thanh Vân (trái) tại Hội sách Frankfurt 2024. Ảnh: NVCC.
Một trong những điểm yếu dễ nhận thấy nhất của AI là sự khô cứng và thiếu sức sống trong văn phong. Bà Hoàng Thanh Vân cho rằng văn của AI “vẫn bị cứng nhắc, sáo rỗng” và chưa thể hiện được “cái hồn con người”, yếu tố làm nên bản sắc không thể thay thế trong văn chương.
Trong khi đó, dịch giả Lê Mạnh Thắng khẳng định rằng với những tiêu chí khắt khe như “Tín - Đạt - Nhã” trong dịch văn học, các phần mềm AI hiện tại chưa thể đạt được mức độ chấp nhận được. AI có thể hỗ trợ người dịch nắm sơ lược nội dung, nhưng khi yêu cầu bản dịch truyền tải được tinh thần và phong cách nguyên bản thì vai trò của con người vẫn là không thể thay thế.
“Nếu bạn không hiểu ngôn ngữ gốc, thì khi đưa tác phẩm vào phần mềm, bạn sẽ bị nó sử dụng, chứ không phải là bạn sử dụng nó”.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc bản quyền Nhã Nam
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Xuân Minh cũng đưa ra một lời cảnh tỉnh với sinh viên ngành ngôn ngữ: AI là công cụ, nhưng nếu không có nền tảng kiến thức vững chắc, người dùng rất dễ bị lệ thuộc. “Nếu bạn không hiểu ngôn ngữ gốc, thì khi đưa vào phần mềm, bạn sẽ bị nó sử dụng, chứ không phải là bạn sử dụng nó”, Giám đốc bản quyền của Nhã Nam nhấn mạnh.
Khả năng phân tích, sửa chữa, và tinh chỉnh bản dịch vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và tư duy ngôn ngữ của con người. Đây cũng chính là lý do cần khuyến khích sinh viên hạn chế phụ thuộc vào AI khi chưa thực sự làm chủ được kỹ năng cơ bản.
Một mối lo khác đến từ tính đạo đức và trách nhiệm trong ngành xuất bản. Bà Hoàng Thanh Vân chỉ ra rằng đã có hiện tượng một số người sử dụng AI để dịch nhanh các sách có chất lượng thấp mà bỏ qua yếu tố nội dung. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng bản dịch, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về uy tín của các đơn vị xuất bản.
Khi một văn bản được in thành sách, nó được xã hội nhìn nhận như một nguồn thông tin đáng tin cậy. Vì vậy, nếu sách được dịch và biên tập bởi AI mà không qua thẩm định chuyên môn, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn cả một bài viết sai sự thật trên mạng xã hội.
Có thể thấy, AI vẫn chưa đủ khả năng thay thế vai trò của con người trong việc dịch thuật những tác phẩm có chiều sâu dù có tiềm năng lớn. Dịch thuật văn học là chuyển tải tinh thần, nhịp điệu và cảm xúc, những thứ mà đến hiện tại, máy móc vẫn còn lúng túng để nắm bắt.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/ai-bi-kiem-soat-trong-khau-dich-thuat-van-hoc-nhu-the-nao-post1553034.html