Từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm là giá đỗ trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với các địa phương thu thập toàn bộ danh sách hộ kinh doanh, sản xuất, tiến hành giám sát tại chợ, thu thập các thông tin để truy xuất nguồn gốc sản xuất giá đỗ trong và ngoài tỉnh.
Trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, Đoàn giám sát do Sở Nông nghiệp và Môi trường thành lập đã tiến hành giám sát 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm giá đỗ về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; lấy 12 mẫu sản phẩm giá đỗ kiểm tra định lượng, phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm gồm chất hóa học Cadmium(Cd) và 6-benzylaminopurine. Kết quả, 8/12 mẫu sản phẩm (8 cơ sở) không phát hiện các chỉ tiêu được chỉ định phân tích; 4/12 mẫu sản phẩm (của 4 cơ sở) phát hiện chất 6-benzylaminopurine. Trong đó, 2 cơ sở kinh doanh tại chợ Phố Cao, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) có nguồn gốc sản phẩm nhập tại tỉnh Hải Dương; 1 cơ sở kinh doanh tại chợ Hiến Nam, phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) có nguồn gốc sản phẩm nhập tại thành phố Hà Nội; 1 cơ sở tự sản xuất tại thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo (Khoái Châu).
Tại thời điểm giám sát, đoàn ghi nhận lô sản xuất thực phẩm giá đỗ của cơ sở sản xuất giá đỗ hộ Nguyễn Văn Nam ở thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo (Khoái Châu) là 400kg. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện chất 6-benzylaminopurine có trong giá đỗ của cơ sở này với hàm lượng 0.017mg/kg giá đỗ. Sau khi có kết quả phân tích, đoàn giám sát đã thông báo tới UBND huyện Phù Cừ, huyện Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương và thành phố Hà Nội về thông tin cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Qua đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan có biện pháp rà soát, quản lý, truy xuất nguồn gốc và xử lý cơ sở có mẫu vi phạm theo quy định.
Trước đó, tháng 12/2024, cơ sở sản xuất giá đỗ của hộ Nguyễn Văn Đạt, trú tại thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến (Khoái Châu) bị phát hiện sử dụng chất cấm (6-benzyl aminopurine) vào sản xuất thực phẩm (giá đỗ). Loại hóa chất được sử dụng có tên 6-benzylaminopurine, vốn là chất kích thích sinh trưởng có khả năng làm cây ra nhánh, đâm chồi, tăng khả năng ra hoa và kích thước quả. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chất này bị cấm sử dụng trong thực phẩm cũng như trong các loại thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam. Loại dung dịch 6-benzylaminopurine có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tổn hại sức khỏe con người.
Là người có hàng chục năm làm giá đỗ bán tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), chị Lương Thị Nhung cho biết, gia đình tôi mỗi ngày chỉ làm 3-5 kg đỗ. Từ khi ngâm đến lúc giá đỗ trưởng thành phải mất 5 ngày. Hình thức giá đỗ không sử dụng hóa chất thân không mập, có rễ, màu trắng đục, cọng cong tự nhiên, các cọng giá đỗ không đều nhau. Bằng mắt thường mọi người cũng có thể phân biệt được giá đỗ làm tự nhiên và giá đỗ có ngâm hóa chất.
Chị Lương Thị Nhung chuyên sản xuất và kinh doanh giá đỗ tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên)Ảnh minh họa
Người mua nên thận trọng với giá đỗ cọng to, mập, thẳng, trắng bóng, không rễ, hoặc rễ rất ngắn để mua được thực phẩm an toàn. Theo các chuyên gia, giá đỗ sạch lấy chất dinh dưỡng tự thân, không có chất kích thích nên gầy, thân mảnh, phát triển không đều, rễ có màu nâu. Rễ cây dài khoảng 3-7cm, lông tơ nhiều, lá mầm nhỏ, màu xanh nhạt, thường dính vào vỏ đỗ.
Ngược lại, giá đỗ ngâm hóa chất thường "bắt mắt" hơn, to tròn, mập mạp, đều đặn, không bị cong do sử dụng chất kích thích để tăng trưởng. Loại này rễ ngắn, thân màu trắng tinh, trắng bệch, nhìn không tự nhiên, mọng nước. Khi ăn, giá đỗ ngâm hóa chất thường xốp, khô, không thơm, thậm chí có mùi hắc, ít mùi đỗ tự nhiên, không ngọt, ra rất nhiều nước khi chế biến. Giá đỗ ngâm hóa chất có thể để ngoài trời nhiều ngày, ở nhiệt độ thường, không lo bị hỏng. Còn giá đỗ sạch nhanh hỏng hơn sau 1-2 ngày để bên ngoài. Khi xào nấu, giá đỗ có mùi thơm, ngọt, thanh hơn.
4 cơ sở bị phát hiện thực phẩm giá đỗ có chất cấm 6-benzylaminopurine gồm: Cơ sở Nguyễn Thị Vân - (Mười), kinh doanh tại chợ Hiến Nam, phường Hiến Nam (Hưng Yên); Cơ sở sản xuất giá đỗ của hộ Nguyễn Văn Nam ở thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo (Khoái Châu); 2 cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị Nết và Nguyễn Thị Mơ đều kinh doanh ở chợ Phố Cao, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ).
Đào Doan