Trong suốt quá trình này, tập thể lãnh đạo UBND thành phố luôn nghiêm túc chấp hành quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện trách nhiệm cao trong việc xem xét, trả lời, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Rõ trách nhiệm trước cử tri
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, sau khi tiếp nhận kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đều phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát và trả lời theo thẩm quyền. Đồng thời, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan và đề xuất cấp trên với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri được xem là cơ hội để rà soát lại công tác quản lý, điều hành; qua đó củng cố mối quan hệ gắn bó, niềm tin của người dân đối với chính quyền trong việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đáng chú ý, lãnh đạo UBND thành phố luôn mong muốn tiếp nhận kiến nghị của cử tri để cải thiện hiệu quả thực thi công vụ. Trên cơ sở đó, UBND thành phố lựa chọn các vấn đề nóng, phức tạp, những điểm nghẽn chính sách để kiến nghị HĐND thành phố thông qua, điều chỉnh hoặc báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành xem xét. Việc cập nhật chính sách mới được thực hiện kịp thời, bám sát thực tiễn.
Tính nghiêm túc của chính quyền thành phố trong giải quyết kiến nghị thể hiện rõ qua việc tất cả 2.538 nội dung được UBND thành phố kiểm tra, trả lời và thông báo tại các kỳ họp HĐND, cũng như thông tin trực tiếp tới cử tri tại các buổi tiếp xúc trước và sau kỳ họp. Trong tổng số 2.538 nội dung kiến nghị cử tri, tới nay đã giải quyết xong 2.410 nội dung (đạt 95%); còn 128 nội dung đang giải quyết (đạt 5%).
“Từ đầu năm 2025 đến nay, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua 20 nghị quyết liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh. Thành phố cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các khối chính quyền trong việc tổ chức lại cấp xã vào ngày 16-5-2025, chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7-2025. Đồng thời đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, tăng cường các đoàn công tác về cơ sở xử lý các vấn đề nóng, phức tạp, kéo dài”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Còn khó khăn, bất cập
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, dù UBND thành phố đã nỗ lực giải quyết các kiến nghị, song vẫn còn một số nội dung chưa có kết quả kịp thời. Đơn cử như các dự án: Khu nhà ở và Văn phòng IDC tại phường Yên Phụ, chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm cũ), cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (quận Nam Từ Liêm cũ), Khu đô thị Thanh Hà… hoặc tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề.
Một số sở, ngành tổ chức thực hiện còn chậm; việc trả lời kiến nghị đôi khi chưa đi thẳng vào nội dung, thiếu rõ ràng về trách nhiệm và thời hạn giải quyết. Đặc biệt, những kiến nghị liên quan nhiều cơ quan, cấp, ngành vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ. Trong bối cảnh sáp nhập, thay đổi chức năng, nhiệm vụ một số sở, ngành, việc rà soát, phân định trách nhiệm tiếp tục giải quyết kiến nghị cũng gặp nhiều khó khăn.
UBND thành phố cho rằng, nguyên nhân việc giải quyết một số tồn tại cần có thời gian tổ chức thực hiện; trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo lại phát sinh những khó khăn, bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách hoặc cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra đã có kết luận về sai phạm, cần rà soát kỹ, xem xét, tháo gỡ và giải quyết một cách thận trọng, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc điều chỉnh, ban hành quy định, cơ chế chính sách bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai.
Ngoài ra, nhiều kiến nghị liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch và đầu tư bằng ngân sách các cấp. Các nội dung này đòi hỏi phải có nguồn lực, kế hoạch cụ thể, thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục luật định. Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, Thành ủy hoặc HĐND thành phố nên không thể giải quyết ngay theo mong muốn của cử tri.
Hiện nay, Thường trực HĐND thành phố vẫn thực hiện việc tổng hợp các kiến nghị trước và sau kỳ họp, sau đó chuyển UBND phân công cho các sở, ngành, địa phương giải quyết và tổng hợp báo cáo. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn nên thời gian xử lý có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.
Một bất cập khác là việc tổng hợp, phân loại kiến nghị đôi khi còn chưa tách bạch, khiến một số câu hỏi bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, đầu tư công, tổ chức bộ máy, hạ tầng…), gây khó khăn trong phân công xử lý và phải theo dõi qua nhiều kỳ họp.
Thêm vào đó, việc triển khai các nội dung theo Luật Thủ đô sửa đổi, sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp khiến khối lượng công việc tăng cao, thời gian gấp rút. Điều này dẫn đến việc chưa kịp thời xem xét thấu đáo các vấn đề cử tri nêu; một số sở, ngành trả lời còn sơ sài, thiếu cập nhật, chưa phản ánh đầy đủ kết quả thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết kiến nghị, UBND thành phố đề nghị Thường trực HĐND chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhất là đối với các nội dung tồn đọng kéo dài. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh Quy chế phối hợp và nâng cấp phần mềm quản lý kiến nghị theo mô hình chính quyền 2 cấp, tránh trùng lặp kiến nghị hoặc đề xuất chung chung, không rõ thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề xuất tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cấp xã, phường trong công tác tham mưu, phối hợp giải quyết kiến nghị và khai thác hiệu quả hệ thống phần mềm, tạo sự đồng bộ trong quá trình xử lý.
“UBND thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và đôn đốc thực hiện 128 nội dung đang được giải quyết để sớm tổng hợp, báo cáo kết quả lên HĐND thành phố”, đồng chí Lê Hồng Sơn khẳng định.
Việc giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri không chỉ là nhiệm vụ hành chính, mà còn là thước đo sự gắn bó giữa chính quyền và nhân dân. Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc và trách nhiệm, chính quyền thành phố Hà Nội đang từng bước hoàn thiện cơ chế phản hồi, xử lý thấu đáo các kiến nghị, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cử tri.
Tuấn Việt