Nghiên cứu cho thấy 24% các loài sinh vật sống trong môi trường nước ngọt, trong đó có chuồn chuồn, cá và các loài giáp xác, đang ở tình trạng dễ bị tổn thương, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp do phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đến từ môi trường.
Hệ sinh thái nước ngọt chỉ chiếm chưa đầy 1% bề mặt Trái đất nhưng là nơi sinh sống của 10% tổng số loài động vật đã biết. Các môi trường sống này bao gồm sông, hồ và đất ngập nước, hỗ trợ cho một nửa số loài cá và 1/3 số loài động vật có xương sống, đồng thời cung cấp nước uống và điều hòa khí hậu cho hàng tỷ người.
Các hệ sinh thái quan trọng này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các tác động từ con người và môi trường.
Ảnh minh họa: CC/KPCW
Nghiên cứu trên 23.500 loài nước ngọt cho thấy 30% giáp xác mười chân, như cua và tôm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, cùng với 26% các loài cá và 16% các loài chuồn chuồn. Kể từ năm 1500, ít nhất 89 loài nước ngọt đã được xác nhận là tuyệt chủng, 178 loài khác nghi ngờ biến mất.
Từ năm 1970, 35% đất ngập nước đã bị mất, nhanh gấp ba lần nạn phá rừng. Ngoài ra, 30% các con sông dài trên thế giới không còn chảy tự do do đập và các thay đổi khác.
Các loài nước ngọt đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh lương thực toàn cầu, nước uống và điều hòa khí hậu, nhưng môi trường sống của chúng đang biến mất nhanh hơn rừng do ô nhiễm, biến đổi khí hậu, các loài xâm lấn và phá hủy môi trường sống.
Nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng có thể xảy ra nếu đa dạng sinh học ở sông, hồ và vùng đất ngập nước tiếp tục suy giảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên quý giá này.
Việc giảm ô nhiễm, kiểm soát các loài xâm lấn và bảo vệ dòng chảy, đặc biệt ở những khu vực dễ bị hạn hán, là những biện pháp cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu.
Hà Trang (theo Nature, Newsweek)