Quy hoạch tối đa 6 bến cảng
Cảng biển Tiền Giang được quy hoạch gồm khu bến Gò Công, Mỹ Tho, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Tiền Giang đạt từ 5,1-6,6 triệu tấn, trong đó hàng container từ 3.500 - 4.700 Teu, sản lượng hành khách từ 49,6 - 56,3 nghìn lượt khách.
Cảng biển Tiền Giang được quy hoạch để đáp ứng cho cả hàng hóa và hành khách (Ảnh minh họa).
Khu vực có 6 bến cảng, gồm từ 15-16 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.165 - 2.465m.
Trong đó, khu bến Gò Công sẽ gồm 5 bến cảng, gồm từ 12-13 cầu cảng để đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 4,5-5,9 triệu tấn và lượng hành khách từ 49,6 - 56,3 nghìn lượt khách.
Đáng chú ý, ngoài các bến cảng phục vụ tổng kho xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước, tổng kho dầu khí Soài Rạp Nam sông Hậu Petro, Bến cảng phục vụ kho xăng dầu DKC Tiền Giang, quy hoạch định hướng nghiên cứu đầu tư 1 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời tại bến cảng tổng hợp Gò Công. Bến cảng sẽ tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải và khả năng đầu tư hạ tầng các công trình phụ trợ, kết nối đến cảng.
Bên cạnh đó, còn có bến cảng Bình Đông với 2 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/khí, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn.
Đối với khu bến Mỹ Tho sẽ có 1 bến cảng, gồm 3 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/khí, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn.
Theo quy hoạch, các bến phao khu chuyển tải tại khu vực sông Soài Rạp là kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời khai thác với quy mô đã được chấp thuận thiết lập. Trong đó, từng bước di dời, giải tỏa phù hợp với lộ trình đầu tư xây dựng các bến cảng thay thế và các quy hoạch có liên quan.
Các khu neo chờ, tránh, trú bão tại sông Tiền tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn, thiết lập các khu neo chờ, tránh, trú bão khu vực khác khi có đủ điều kiện.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Tiền Giang đáp ứng cho lượng hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5,5 - 6,1 %/năm và lượng hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 1,1 - 1,25%/năm.
Giai đoạn này, hoàn thành đầu tư các bến cảng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, nhà máy tại khu bến Gò Công, cũng như tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Định hướng cải tạo, nâng cấp nhiều luồng tàu
Quy hoạch định hướng phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng đồng bộ hạ tầng bến cảng. Lộ trình đầu tư tùy thuộc vào khả năng bố trí, huy động nguồn lực. Trường hợp huy động nguồn xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô bến cảng theo quy hoạch.
Cụ thể, luồng Soài Rạp sẽ cải tạo, nâng cấp cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải. Luồng Vàm Cỏ sẽ đầu tư cho tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Luồng sông Tiền sẽ cải tạo, nâng cấp cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 552ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 32.552ha.
Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Tiền Giang đến năm 2030 khoảng 4.007 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 300 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 3.707 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo chờ tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS), các bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.
Hồ An