Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất nguồn vốn cho cao tốc Đà Lạt - Nha Trang. Ảnh: TL
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo hình thức đối tác công tư (PPP), baochinhphu.vn đưa tin.
Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng nghiên cứu, đề xuất việc bố trí vốn từ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để triển khai dự án. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.
Phó Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bộ Xây dựng gửi văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng để xem xét và quyết định giao một địa phương làm chủ đầu tư dự án.
Hiện nay, quốc lộ 27C là tuyến đường duy nhất kết nối Nha Trang với Đà Lạt nhưng có đèo Khánh Lê dài 30km với địa hình hiểm trở, không phù hợp cho phương tiện trọng tải lớn.
Tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở và tai nạn giao thông. Với quy mô đường cấp IV-III, quốc lộ 27C chỉ đáp ứng tối đa 10.000PCU, trong khi dự báo đến năm 2030, lưu lượng xe có thể lên tới 10.900PCU, khiến tuyến đường sớm quá tải.
Do nhu cầu vận tải hàng hóa và kết nối hai thành phố du lịch lớn, việc đầu tư đường cao tốc giữa Nha Trang và Đà Lạt là cấp thiết.
Trước đó, hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã gửi tờ trình đề xuất Thủ tướng đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.058 tỉ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) với sự tham gia vốn nhà nước.
Theo đề xuất, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dài 80,8km, bắt đầu từ điểm giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại huyện Diên Khánh, Khánh Hòa và kết thúc tại ngã ba Đarahoa, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tuyến đường sẽ có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22-24,75m với vận tốc thiết kế từ 80-100km/h. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, thay vì 3 giờ 30 phút đến 4 giờ như hiện tại.
Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch 2 khu vực. Đồng thời, cao tốc này sẽ hình thành trục ngang kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, liên kết với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển và đáp ứng nhu cầu vận tải, logistics.
Bình Dương