Người dân che ô tránh nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/7/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo trang Daily Mail, các nhà nghiên cứu tại Viện Hóa học Max Planck đã sử dụng các mô phỏng số tiên tiến để ước tính tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí và nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu. Phân tích chỉ ra rằng có tới 30 triệu người có thể tử vong vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ Andrea Pozzer, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết năm 2000, khoảng 1,6 triệu người tử vong do nhiệt độ khắc nghiệt - cả lạnh và nóng. Tính đến cuối thế kỷ này, theo kịch bản có khả năng xảy ra nhất, con số này sẽ tăng lên 10,8 triệu, gấp khoảng 7 lần.
“Đối với ô nhiễm không khí, số ca tử vong trong năm 2000 là khoảng 4,1 triệu người. Tính đến cuối thế kỷ, con số này tăng lên 19,5 triệu, tăng gấp 5 lần”, ông nói.
Nghiên cứu trên được đưa ra ngay sau khi báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo Trái Đất đang trên đà nóng lên “thảm khốc” 3,1°C trong thế kỷ này.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành tính toán dựa trên các dự báo từ năm 2000 đến năm 2090, được phân tích theo các khoảng thời gian 10 năm. Phân tích cho thấy dường như sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực về số ca tử vong do biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu, Nam Á và Đông Á sẽ là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dân số già đi, trong đó ô nhiễm không khí vẫn đóng vai trò chính.
Ngược lại, ở các khu vực có thu nhập cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, Australasia (một khu vực của Châu Đại Dương) và châu Á - Thái Bình Dương, số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ khắc nghiệt dự kiến vượt số ca tử vong do ô nhiễm không khí.
Ở một số quốc gia trong các khu vực này - chẳng hạn Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và New Zealand, sự thay đổi đã diễn ra.
Các chuyên gia dự đoán sự chênh lệch này sẽ tăng lên, khi nhiệt độ khắc nghiệt trở thành rủi ro sức khỏe đáng kể hơn ô nhiễm không khí, ngay cả ở các quốc gia Trung và Đông Âu (Ba Lan và Romania) và một số khu vực Nam Mỹ (Argentina và Chile).
Băng tan do nhiệt độ ấm lên tại đảo Greenland thuộc Bắc Cực ngày 16/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đến năm 2100, rủi ro sức khỏe liên quan đến nhiệt độ dự kiến sẽ lớn hơn những rủi ro liên quan đến ô nhiễm không khí, tác động tới khoảng 1/5 dân số thế giới.
Các nhà nghiên cứu hy vọng những phát hiện này sẽ làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về các hành động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.
“Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Pozzer nhấn mạnh
Ông Jean Sciare, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí hậu và khí quyển của Viện Cyprus cho biết, những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu quyết liệt ngay bây giờ để ngăn chặn mất mát về người trong tương lai.
Nghiên cứu được đưa ra ngay sau khi Liên hợp quốc công bố báo cáo thường niên về việc cắt giảm khí thải cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Theo Liên hợp quốc, thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ từ 2,6°C đến 3,1°C, tùy vào mức độ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã cam kết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Chúng ta đang ở tình thế nguy hiểm. Nếu các nhà lãnh đạo không thu hẹp khoảng cách phát thải thì chúng ta sẽ lao đầu vào thảm họa khí hậu, trong đó những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phải chịu đau khổ nhiều nhất”.
Vân Khánh/Báo Tin tức