Chiều 3/4, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đây là cuộc họp báo đầu tiên của Bộ Tài chính sau khi thực hiện hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nhận nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việt Nam đã chủ động rà soát, giảm thuế để cải thiện cán cân thương mại
Tại cuộc họp báo, một trong những nội dung được các phóng viên quan tâm là phản ứng chính sách, các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trong công bố sáng nay của phía Mỹ, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ chịu mức thuế lên tới 46%, cao hơn nhiều so với các mức thuế hiện hành. Nếu áp dụng, có khả năng nhiều ngành sản xuất của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là những ngành xuất khẩu nhiều sang Mỹ như điện tử, dệt may, da giày…
Cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 3/4. Ảnh: Đức Minh
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình, đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể các thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Qua đó, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Tại Nghị định này, thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng mà các đối tác thương mại lớn quan tâm đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Đây là chính sách nhắm cố gằng cân bằng, cải thiện cán cán thương mại với các đối tác lớn nói chung, và với Mỹ nói riêng. Đồng thời qua đó, giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp tiếp cận hàng hóa đa dạng hơn và với mức thuế thấp hơn, ông Trương Bá Tuấn cho hay.
Trước khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát lại mọi mức thuế đang áp dụng với hàng nhập khẩu, bao gồm các thuế khác liên quan, như: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… để đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng. Theo đó, có 16 mặt hàng đã được giảm thuế.
Tích cực nghiên cứu, trao đổi để tìm giải pháp hài hòa
Tuy nhiên, mức thuế mà phía Mỹ công bố sáng 3/4 lên tới 90%, mức thuế áp thêm là 46%. Như vậy, theo ông Trương Bá Tuấn, là cần tích cực tìm hiểu, đánh giá để làm rõ căn cứ để phía Mỹ đưa ra mức thuế cao như vậy. Bởi mặt bằng thuế quan của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với tính toán của phía Mỹ là 90%. Vậy ngoài yếu tố thuế, thì còn yếu tố nào mà Mỹ đã đưa vào khi tính ra mức thuế 90%. Đây là vấn đề cần tìm hiểu kỹ và nhanh chóng để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đưa ra thời gian tới.
Thực tế, theo lãnh đạo Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí, chênh lệch bình quân giữa mức nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay không quá cao nên các giải pháp ứng phó phi thuế quan sẽ đóng vai trò quyết định trong vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, cần phân tích, tìm hiểu kỹ nguyên nhân của việc Mỹ áp mức thuế cao với Việt Nam, trong khi chúng ta đã rất chủ động rà soát, điều chỉnh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để hướng tới cân bằng cán cân thương mại.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, vấn đề không chỉ phụ thuộc vào mỗi vào thuế mà còn liên quan những yếu tố khác mà hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực nghiên cứu. Cân bằng thương mại để hướng tới phát triển là điều mà các bên đều mong muốn. Tuy nhiên, nếu chỉ cân bằng dựa vào chính sách thuế thì không phải là giải pháp tốt nhất cho các bên cũng như cho người dân.
Cũng theo Thứ trưởng, cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ sang làm việc với phía Mỹ. Hiện tại, mức thuế phía Mỹ công bố là mức tối đa, các mức cụ thể còn có thể được xem xét. Do đó, cần phải kiên trì trao đổi, chia sẻ để tìm ra giải pháp, để hướng tới cân bằng thương mại mà không chỉ dùng các biện pháp thuế, để thương mại cùng phát triển, người dân cả hai nước đều được hưởng lợi, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ./.
Theo ông Trương Bá Tuấn, cần tích cực tìm hiểu, đánh giá để làm rõ căn cứ để phía Mỹ đưa ra mức thuế cao như vậy. Bởi mặt bằng thuế quan của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với tính toán của phía Mỹ là 90%.
Hoàng Yến