Nghiên cứu lõi Trái đất qua hiện tượng sóng biển

Nghiên cứu lõi Trái đất qua hiện tượng sóng biển
5 giờ trướcBài gốc
Một số cơn bão lớn bậc nhất ở Đại Tây Dương không chỉ gây ra hỗn loạn trên biển mà còn truyền đi sóng chấn động xuyên qua lõi của hành tinh chúng ta. Một nghiên cứu mới do Đại học quốc gia Úc (ANU) thực hiện chỉ ra rằng các cơn bão mùa đông mạnh xuất hiện gần Greenland cùng Newfoundland có thể tạo ra sóng địa chấn đủ mạnh để đi qua lõi ngoài dạng lỏng lẫn lõi dạng rắn.
Sóng biển cũng là kho dữ liệu quý giá phục vụ nghiên cứu lõi Trái đất - Ảnh: Lucas Andreatta/Pexels
Phát hiện trên cung cấp phương thức mới đầy thú vị để khám phá không gian sâu bên trong Trái đất, nơi mà cho đến nay con người chỉ nghiên cứu được bằng cách sử dụng dữ liệu từ động đất hoặc vụ nổ do con người gây ra. Đặc biệt phương phức này không giới hạn ở Trái đất mà có thể giúp chúng ta khám phá nhiều hành tinh không có kiến tạo mảng hay núi lửa, cũng như không có động đất.
“Bắt được” âm thanh đại dương
Khi bão lớn khuấy động phía bắc Đại Tây Dương, sóng biển mạnh va chạm vào nhau tạo nên rung động truyền xuống đáy biển (microseim). Năng lượng mà rung động như vậy giải phóng yếu hơn rất nhiều so với động đất, nhưng chúng lại đủ sức truyền hàng nghìn dặm qua lõi Trái đất.
Lâu nay rung động truyền xuống đáy biển từ sóng yếu đến nỗi bị xem như tiếng ồn nền. Tuy nhiên theo nghiên cứu của ANU, với thiết bị phù hợp cùng quá trình xử lý thông minh thì chúng sẽ trở thành kho dữ liệu vô cùng quý giá.
Nhóm ANU thiết lập 2 mảng địa chấn kế, mỗi mảng bao trùm khu vực 50 x 50km ở khu vực xa xôi của Queenland cùng phía tây nước Úc. Địa chấn kế được thiết kế đặc biệt để thu nhận loại sóng địa chấn hiếm có gọi là PKP – sóng từ một cơn bão truyền qua lõi hành tinh chúng ta.
Vào các tháng mùa hè tại Úc, họ ghi lại tín hiệu tạo ra bởi bão mùa đông ở phía bắc Đại Tây Dương. Chu kỳ PKP ngắn hơn rung động từ động đất 4 - 6 giây. Độ mạnh của chúng chỉ bằng một phần nhỏ so với động đất, nhưng chúng xảy ra thường xuyên và đồng bộ nên rất lý tưởng để theo dõi tác động khi sóng truyền qua từng lớp lõi khác nhau.
Không như Trái đất, nhiều thiên thể không có hoạt động kiến tạo thường xuyên. Tuy nhiên chúng có không khí và bão. Nếu có thể phát hiện rung động vi mô tương tự thì giới khoa học sẽ tìm hiểu được những gì nằm bên dưới bề mặt các thiên thể.
Hiện tại phương thức mới còn đối mặt với vài thách thức. Tín hiệu do bão tạo ra rất yếu và dễ bị tiếng ồn khác lấn át. Khả năng ghi nhận chúng phụ thuộc hình dạng đáy biển, độ sâu đại dương cũng như cường độ, tần số bão. Do đó không phải mọi địa điểm trên Trái đất hoặc hành tinh khác đều thích hợp để triển khai. Sắp tới cần tiến hành cải tiến thiết bị đồng thời nghiên cứu sóng địa chấn thay đổi ra sao khi đi qua từng lớp lõi.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nghien-cuu-loi-trai-dat-qua-hien-tuong-song-bien-232489.html