Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế
Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, cùng với việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, việc xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại kỳ họp này cho thấy Quốc hội và Chính phủ khóa XV đang hết sức nỗ lực để thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng về việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách đã đề ra trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011.
Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chiều nay 31/10.
Cùng với sự phát triển xã hội, quá trình tổ chức thi hành Luật Bảo hiểm y tế phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ nhận diện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, về nguyên tắc để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập này, phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích trong thảo luận tổ. Tuy nhiên, vì lý do khách quan để tạo sự thống nhất, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực về cấp khám chữa bệnh quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, để tháo gỡ ngay một số vướng mắc, khó khăn lớn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho Nhân dân, nhất là những người mắc bệnh nặng, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh; Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp...
Cần mở rộng phạm vi khám chữa bệnh BHYT
Tham gia góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông
Đóng góp ý kiến cụ thể về sửa đổi, bổ sung Điều 13 (khoản 10, Điều 1 dự thảo), theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, việc quy định đối tượng học sinh, sinh viên được tự lựa chọn tham gia BHYT theo hộ gia đình cần đánh giá tác động kỹ. Hiện nay, thu BHYT học sinh, sinh viên đang tổ chức thực hiện tốt, hàng năm tỷ lệ tham gia cao hơn năm trước và tỷ lệ bao phủ hiện nay khoảng từ 95-97%. Bên cạnh đó, nếu quy định như dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: việc đùn đẩy trách nhiệm trong công tác lập danh sách và quản lý đối tượng, việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường không chính xác, việc đánh giá tỷ lệ bao phủ của nhóm HSSV khó chính xác… Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất giữ nguyên quy định Luật BHYT hiện hành và để giải quyết bất cập khi so sánh mức đóng và đề nghị nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ 30% lên tối thiểu là 50% mức đóng BHYT.
Liên quan đến nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 dự thảo); đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung đối tượng là người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Vì theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được nhà nước quan tâm đến các chính sách xã hội. Theo quy định về pháp luật bảo trợ hiện hành, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tuy nhiên, đối với nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 mà không hưởng trợ cấp hàng tháng là đối tượng yếu thế xã hội, cần được quan tâm trong lưới an sinh, đặc biệt là hỗ trợ về thẻ BHYT. “Tôi đề xuất bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 (theo thống kê trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 2% dân số trong độ tuổi) thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT để được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 26 (khoản 18 Điều 1 dự thảo); đối với quy định về đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi tuyến khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có thẻ BHYT được khám chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện nào mà họ lựa chọn. “Vì hiện nay, phí mua BHYT ngày càng tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT ở các cơ sở khám chữa bệnh chưa được nâng cao gây phiền hà bức xúc cho người dân. Nếu mở rộng phạm vi khám chữa bệnh ban đầu để người dân tự lựa chọn khám chữa bệnh nơi có dịch vụ y tế tốt hơn thì mới phù hợp và tạo ra sự cạnh tranh trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện tiến đến tự chủ kinh phí hoạt động tốt hơn”- đại biểu Nguyễn Hữu Thông lý giải.
Đối với một số nội dung khác, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết: “Để tiếp khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm trong thời gian qua, tôi kiến nghị sửa đổi bổ, sung thêm một số nội dung của Luật BHYT số 25/2008/QH12, cụ thể: Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong thời gian qua đảm bảo việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho người bệnh và quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bênh BHYT cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính khi đi khám chữa bệnh; tôi đề nghị bổ sung nội dung quy định:“Giám đốc cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh trong phạm vi được hưởng”.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định đối với các trường hợp đặc biệt cơ sở khám chữa bệnh không đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế và người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh BHYT phải tự mua, đồng thời tổng hợp chi phí khám chữa bệnh BHYT gửi cơ quan BHXH thanh toán.
THU HÀ