Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Matter đã chỉ ra một loại hạt có thể giúp tạo ra một loại hydrogel hoàn hảo ứng dụng trong y sinh, giúp cứu sống nhiều người: Hạt malva, tức hạt đười ươi hay hạt ươi.
Hạt ươi và loại thức uống được tạo nên bởi hạt này - Ảnh: CUISINE OF VIETNAM
Nhóm tác giả đến từ Trường Kỹ thuật Pritzker và Khoa Hóa học thuộc Đại học Chicago (UChicago - Mỹ) đã chiết xuất chất keo polysaccharide mềm trong hạt ươi để tạo nên một loại hydrogel sinh học an toàn và có hiệu quả cao hơn các loại hydrogel thông thường.
Điều này là do bản chất ngậm nước đặc biệt của chất keo polysaccharide trong hạt ươi.
Nếu bạn uống trà thảo mộc có hạt ươi, bạn có thể thấy loại hạt này nở rất to trong nước. Ước tính nó có thể tăng gấp 8 lần thể tích và 20 lần về trọng lượng khi "no" nước, biến thành một khối thạch mềm khi được ngâm lâu.
Để so sánh, gạo có khả năng nở to gấp 3 lần trọng lượng khi nấu chín, trong khi hạt chia nở gấp 10 lần trọng lượng.
Vì vậy, có thể nói hạt ươi giúp các nhà khoa học mỹ tạo ra một loại hydrogel "ngoại hạng".
Hydrogel là chất gốc nước dẻo, được biết đến với nhiều ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe.
Mềm mại và ưa nước như chính mô người, hydrogel được sử dụng để chăm sóc vết thương, chống nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành vượt xa những gì những miếng băng có thể làm được.
Vật liệu này cũng được sử dụng trong hệ thống cung cấp thuốc, thiết bị điện tử sinh học cấy ghép như máy tạo nhịp tim, sửa chữa mô, miếng dán ECG (miến dán điện cực tim)... và các ứng dụng khác.
"Chúng tôi thấy rằng nó thể hiện hiệu suất và chất lượng vượt trội so với các miếng dán ECG thương mại. Và sau đó chúng tôi cũng áp dụng cho bề mặt mô trong cơ thể sống, chứng minh khả năng ghi lại tín hiệu sinh học tuyệt vời" - các tác giả cho biết.
Các nhà nghiên cứu Mỹ hy vọng loại hydrogel mới có nguồn gốc tự nhiên này sẽ cung cấp nguồn tài nguyên y tế lớn nhưng ít tốn kém hơn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á nơi loài cây cung cấp loại hạt này phát triển.
Tại Việt Nam, loài cây này mọc chủ yếu ở khu vực dãy Trường Sơn và từ lâu đã được dùng trong Đông y.
Anh Thư