Điều chỉnh tần suất khảo sát luồng theo tiêu chí đánh giá
Theo dự thảo quy định mới, công tác bảo trì công trình hàng hải được định nghĩa là tập hợp các hoạt động nhằm đảm bảo và duy trì trạng thái làm việc bình thường, an toàn của công trình theo đúng thiết kế trong suốt quá trình khai thác, sử dụng.
Tần suất khảo sát luồng hàng hải phục vụ thông báo hàng hải sẽ được xác định theo phương thức chấm điểm (Ảnh minh họa).
Nội dung bảo trì có thể bao gồm một phần hoặc toàn bộ các công việc như: Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng, sửa chữa công trình; bổ sung hoặc thay thế hạng mục, thiết bị nhằm duy trì an toàn khai thác. Tuy nhiên, các hoạt động làm thay đổi công năng hoặc quy mô công trình sẽ không thuộc phạm vi bảo trì.
Riêng đối với công trình hàng hải là bến phao neo, không áp dụng đánh giá an toàn công trình mà thực hiện kiểm tra, đăng kiểm định kỳ theo các quy chuẩn quốc gia về phân cấp và chế tạo phao neo, phao tín hiệu.
Một nội dung đáng chú ý tại dự thảo là việc điều chỉnh phương thức xác định tần suất khảo sát luồng hàng hải phục vụ thông báo hàng hải. Cụ thể, tần suất khảo sát sẽ được xác định theo phương pháp chấm điểm, với thang điểm tối đa 100, căn cứ vào các tiêu chí cụ thể được quy định trong dự thảo.
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, các tuyến luồng hàng hải trong cả nước có đặc điểm thủy hải văn khác nhau, như: mức độ bồi lắng, chế độ dòng chảy, ảnh hưởng của sóng, gió, thủy triều... Trong đó, mức độ bồi lắng được xác định là tiêu chí quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến độ sâu luồng và khả năng đảm bảo điều kiện kỹ thuật cho tàu thuyền hoạt động an toàn. Ngoài ra, các yếu tố như tần suất tàu chạy, loại tàu, trọng tải tiếp nhận… cũng được đưa vào xem xét để điều chỉnh tần suất khảo sát cho phù hợp.
Hệ thống tiêu chí này được xây dựng theo hướng mở, cho phép rà soát và điều chỉnh khi cần thiết, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn duy tu và duy trì ổn định độ sâu luồng hàng hải.
Quy định tần suất khảo sát theo từng khu vực, công trình
Đối với khu neo đậu, khu tránh trú bão, vùng đón trả hoa tiêu: Nếu tận dụng độ sâu tự nhiên để khai thác thì tần suất khảo sát định kỳ là 3 năm/lần. Với các khu vực được hình thành từ dự án nạo vét, tần suất khảo sát sẽ do Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam quyết định, căn cứ vào mức độ bồi lắng thực tế, vai trò và phạm vi khu vực.
Đối với tuyến luồng hàng hải mới công bố lần đầu hoặc sau khi nạo vét, cải tạo, nâng cấp: thực hiện khảo sát 6 tháng/lần trong 3 năm đầu, trừ trường hợp hồ sơ thiết kế yêu cầu khảo sát thường xuyên hơn để đảm bảo an toàn và theo dõi tình trạng bồi lắng.
Đối với vùng nước trước bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu chuyển tải mới công bố hoặc sau cải tạo: khảo sát 12 tháng/lần trong 3 năm đầu, cũng có thể điều chỉnh nếu hồ sơ thiết kế quy định tần suất cao hơn.
Định kỳ 3 năm một lần, Bộ Xây dựng sẽ công bố, cập nhật Danh mục các tuyến luồng hàng hải công cộng, khu neo đậu, khu tránh trú bão, vùng đón trả hoa tiêu cần khảo sát định kỳ. Tương tự, danh mục các tuyến luồng hàng hải chuyên dùng, vùng nước trước cầu cảng, bến phao, khu chuyển tải cũng được cập nhật trong cùng kỳ nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo trì và an toàn hàng hải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Hồ An