Nghiên cứu quy định rõ hơn về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến trẻ em

Nghiên cứu quy định rõ hơn về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến trẻ em
3 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, lĩnh vực quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án Luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật này đã có 86 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Báo cáo số 4714 /BC-TTKQH ngày 20.11.2024 đã gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Chi tiết hóa các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em
Quan tâm đến vấn đề tác động của quảng cáo đối với trẻ em, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu rõ, thực tế cho thấy, trẻ em đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các em.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo đó, trong kỷ nguyên số, trẻ em đang phải đối mặt với một "đại dương" quảng cáo khổng lồ. Các thuật toán thông minh không ngừng phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân hóa, vô hình trung tạo ra một áp lực lớn lên tâm lý của các em. Việc tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với quảng cáo có thể dẫn đến các vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý.
Để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, cần có những hành động quyết liệt hơn. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là các quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thống. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt qua giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực, tác động đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em. Vì vậy, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
“Những quy định này là đúng nhưng còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng. Việc nhận diện hay đánh giá thế nào về ảnh hưởng xấu của quảng cáo đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em là vấn đề cần quan tâm”. Do đó, đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị, cần nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em; phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về "quảng cáo nhắm vào trẻ em", bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và gián tiếp. Cùng đó, cần chi tiết hóa các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm
Điểm c khoản 5 Điều 15a quy định trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng thì “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị, xem xét kỹ lưỡng tính cần thiết của quy định này bởi mục đích quy định là ràng buộc trách nhiệm của người có ảnh hưởng làm quảng cáo nhưng đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì cần xét về cơ địa, thói quen sinh hoạt, ăn uống, khí hậu vùng miền… Đồng thời, nên xét đến người được thuê đại diện nhãn hàng quảng cáo và cơ sở sản xuất, kinh doanh dựa trên hợp đồng. Trên thế giới vẫn có trường hợp một người nổi tiếng đại diện cho nhiều nhãn hàng, việc kiểm tra chất lượng nên giao cho các cơ quan thẩm định có chuyên môn thì khoa học, phù hợp hơn.
Tán thành cần quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, song, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) nhận thấy, quy định như điểm c, khoản 5 Điều 15a có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo, cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị, làm rõ việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến; người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình; người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác. Ngoài ra, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; có chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo hoặc đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.
Bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật chuyên ngành
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu làm rõ 4 nhóm nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án Luật; kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ Tám. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần trách nhiệm cao, làm cơ sở chính trị hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và kỳ vọng Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, tương thích, khả thi giữa dự thảo Luật với các luật chuyên ngành; một số quy định của luật cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp, của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo như: quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
Về quảng cáo trên không gian mạng, nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng để bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quảng cáo trên mạng, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng hóa bị cấm, quảng cáo bị gắn với những trang, kênh, tài khoản nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của hoạt động quảng cáo trên mạng, trên các nền tảng xuyên biên giới, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Nhiều đại biểu cơ bản tán thành với việc bổ sung khái niệm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn, tách biệt giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thông thường và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, không nên liệt kê các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như trong dự thảo Luật vì các sản phẩm trên sẽ thay đổi theo từng thời điểm, mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc điểm của Luật Quảng cáo.
Ngoài ra, nhiều ý kiến phát biểu về các nội dung như: quảng cáo trên báo in, quảng cáo trên báo hình, quảng cáo ngoài trời, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ở các cấp. Cũng có đại biểu quan tâm cho ý kiến về các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012 mà không nằm trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp này với mong muốn Luật Quảng cáo được sửa đổi đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo Luật để báo cáo tại Kỳ họp tới.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nghien-cuu-quy-dinh-ro-hon-ve-cam-quang-cao-anh-huong-xau-den-tre-em-post397415.html