Ngày 31/10, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2024. Hơn 200 đại biểu đại diện các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh tham dự.
Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền đã quán triệt những vấn đề mới, liên quan tới công tác bảo đảm quyền con người để cán bộ, đảng viên nắm bắt và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác. Các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 3 chuyên đề gồm: Công tác nhân quyền trong tình hình mới, Đạo lạ và các hiện tượng tôn giáo mới; Giải pháp tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm luận điệu sai trái thù địch về các vấn đề nhân quyền trên không gian mạng.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ khẳng định: Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tại Gia Lai, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, làm sai lệch tình hình bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền của nước ta trên các diễn đàn quốc tế. Trước tình hình đó, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tỉnh Gia Lai trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Gia Lai
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Gia Lai đề nghị các sở ngành cần tiếp tục chủ động tham mưu hiệu quả việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, nhất là vùng DTTS, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS; Luôn quan tâm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu sáng tạo nhiều cách làm mới, nhân rộng cách làm hay trong công tác bảo đảm quyền con người; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bảo đảm quyền con người; Chủ động nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các Sở, ban, ngành trong công tác bảo đảm và đấu tranh nhân quyền trên địa bàn tỉnh.
Các chuyên đề được các đại biểu đánh giá cao vì đã cung cấp những thông tin, kiến thức thiết thực về công tác bảo đảm nhân quyền, qua đó giúp cán bộ làm công tác quản lý, tham mưu và thực thi bảo đảm quyền con người thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và công tác chuyên môn. Hội nghị tạo diễn đàn để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn công tác, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác nhân quyền, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương trong công tác bảo đảm, bảo vệ và đấu tranh bảo vệ quyền con người.
PVVOV.VN